Theo ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc gia năm 2024, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Bắc Giang sẵn sàng chào đón thí sinh, đại biểu tham dự.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất
- Thưa ông, công tác chuẩn bị cho cuộc thi KHKT được tiến hành ra sao?
- Cuộc thi KHKT là sân chơi dành cho học sinh phổ thông, qua đó thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học. Cũng từ cuộc thi, ngành GD-ĐT mong muốn hình thành chuỗi hoạt động STEM, nghiên cứu khoa học, áp dụng kiến thức vào cuộc sống tại các cơ sở giáo dục.
Để hấp dẫn các bạn trẻ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết về cuộc thi trong đó có quyền lợi kèm theo với mong muốn nhận thêm nhiều đề tài, sáng kiến đóng góp cho xã hội, khoa học. Việc sử dụng kết quả cuộc thi KHKT vào tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng là động lực để học sinh cố gắng, phấn đấu.
Là địa phương đăng cai tổ chức, Bắc Giang đã chuẩn bị các nội dung từ cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực từ khi nhận Cờ tổ chức từ tỉnh Quảng Ninh. Trước khi Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc thi cấp quốc gia, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch, thành lập Ban tổ chức cuộc thi.
Khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tỉnh Bắc Giang thành lập các tiểu ban chuyên môn phụ trách tuyên truyền, y tế, cơ sở vật chất, riêng về an ninh do một đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang phụ trách. Bộ GD&ĐT còn cử chuyên viên, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học về làm việc, thống nhất chương trình.
- Cuộc thi KHKT năm nay có điểm gì mới, thưa ông?
- Bắc Giang đã xây dựng clip giới thiệu về cuộc thi đăng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo để nhiều người biết. So với các cuộc thi trước đó, cả 10 huyện, thị xã, thành phố của Bắc Giang sẽ trưng bày sản phẩm STEM, nghiên cứu khoa học đặc trưng, hấp dẫn nhất của đơn vị tại gian hàng trong cuộc thi. Dự kiến, chiều 20/3, các đại biểu có thể tham quan, trao đổi.
Chúng tôi chủ động nắm bắt, trao đổi với 74 đơn vị từ các tỉnh/thành phố và 12 đại học, học viện có thí sinh tham gia để có hỗ trợ tốt nhất, đảm bảo thành công của cuộc thi. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, hai ngành GD-ĐT cùng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tour du lịch ảo dành cho đại biểu, giáo viên, thí sinh tại Quảng trường 3/2 (tại TP Bắc Giang). Tại đây, các đại biểu, chuyên gia và học sinh có cơ hội tham dự Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao chất lượng STEM.
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi KHKT quốc gia năm 2024. |
Cơ hội học hỏi, trao đổi
- Áp lực dành cho đơn vị đăng cai tổ chức rất lớn, Bắc Giang có giải pháp nào đổi mới dự án tham gia cuộc thi?
- Bắc Giang xác định việc đăng cai cuộc thi KHKT năm 2024 là may mắn, cơ hội cũng là áp lực, thách thức để tổ chức thành công. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang xác định đây là cơ hội để tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ bài học giáo dục. Bắc Giang cũng là địa phương có truyền thống tham gia các cuộc thi KHKT và đạt kết quả cao.
Từ kinh nghiệm tích lũy, Bắc Giang hiểu đây là cơ hội quý báu để không chỉ nhóm thầy cô, thí sinh nhất định được tiếp xúc, học tập, trải nghiệm mà nhiều giáo viên, học trò ở các địa phương được tham quan, học tập về KHKT. Ví dụ, các thầy cô trao đổi, giao lưu kiến thức sẽ đúc rút, đưa ra hướng đi, ý tưởng mới, thực tế để triển khai tại trường. Tôi cho rằng nếu muốn học sinh làm khoa học, tìm tòi đề tài thì chính người thầy phải làm khoa học và biết đặt câu hỏi có vấn đề, giải quyết vấn đề lớn. Việc học lý thuyết phải đi kèm với thực hành…
- Vậy ông có lời khuyên gì cho các thí sinh tham gia cuộc thi?
- Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học trở thành hoạt động thiết thực, là sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho học sinh. Đến với cuộc thi, các em dần hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Cuộc thi đồng thời tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học cũng đứng trước yêu cầu cần thay đổi để phù hợp với đổi mới chung của giáo dục phổ thông.
Là sân chơi ươm mầm cho các kỹ sư, nhà khoa học, chuyên gia trong tương lai, vì vậy điều các em cần lưu ý là phải lao động miệt mài, dành thời gian học thêm kiến thức, ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Các bạn đừng tự ti về ý tưởng của mình, hãy cứ làm, mở lòng với thầy cô, cha mẹ, những người đi trước. Bởi xung quanh các em là những người “thầy” có cách nhìn nhận vấn đề, giải pháp khác nhau, từ đó có thể học hỏi, thậm chí học cả cách chấp nhận thất bại để rút ra bài học, kinh nghiệm, tìm được động lực vượt qua khó khăn, thách thức để nuôi dưỡng đam mê.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2024, Cuộc thi KHKT cấp quốc gia diễn ra từ ngày 20 - 22/3 tại Bắc Giang. 74 đoàn dự thi mang tới 150 dự án từ 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 12 đơn vị thuộc đại học, trường đại học và Viện Khoa học Giáo dục. Cuộc thi dành cho học sinh trung học này trở thành hoạt động thiết thực, sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho học sinh, qua đó thúc đẩy khám phá, đam mê và ươm mầm tài năng khoa học tương lai.