Cuộc thi hát Eurovision 2021: Rắc rối xung quanh việc chấm điểm

GD&TĐ - Sau một năm bị hủy do ảnh hưởng của Covid-19, cuộc thi Ca khúc truyền hình châu Âu Eurovision 2021 đã diễn ra từ ngày 18 - 22/5 tại Rotterdam (Hà Lan). Tham gia Eurovision năm nay có thí sinh đến từ 26 nước.

Các thành viên của Ban nhạc Ý Måneskin.
Các thành viên của Ban nhạc Ý Måneskin.

Ban nhạc Ý Måneskin đã chinh phục khán giả với bài hát “Zitti E  Buoni”. Đứng thứ 2 là nữ ca sĩ Pháp Barbara Pravi, với bài “Voilà”.

Về thứ 3 là nam ca sĩ Thụy Sĩ Gjon’s Tears, với bài hát “Tout l’Univers”.  Kết quả này đang gây nhiều tranh cãi.

Lựa chọn gây thắc mắc

Từ năm 2009, cuộc thi Eurovision áp dụng hệ thống chấm điểm hỗn hợp. Một nửa số điểm do ban giám khảo chuyên môn cho, và một nửa số điểm do khán giả bình chọn. Và nếu như việc bỏ phiếu của khán giả thường không có vấn đề gì, thì sự lựa chọn của các nhà chuyên môn thường gây ra nhiều thắc mắc. Năm nay, nó thậm chí còn gây tranh cãi đến giây cuối cùng.

Khi ban giám khảo bắt đầu công bố điểm, không ai nói gì về việc ban nhạc Måneskin của Ý đoạt giải Nhất. Không thể nói họ hoàn toàn không được chú ý và bị bỏ qua – dù sao, Måneskin cũng được 206 điểm và chiếm vị trí thứ tư theo đánh giá của ban giám khảo.

Tuy nhiên, hai ca sĩ khác là Gjon’s Tears của Thụy Sĩ (267 điểm) và Barbara Pravi (248) của Pháp còn được các chuyên gia cho điểm cao hơn. Và nếu như nữ ca sĩ Pháp còn nhận được khá nhiều điểm của khán giả (251), thì nam ca sĩ Thụy Sĩ chỉ nhận được165 điểm của khán giả, xếp ở vị trí thứ 7.

Xui xẻo nhất là ban nhạc Go_A của Ukraine. Ca khúc xuất sắc “Shum” của họ được khán giả yêu thích và xếp vị trí thứ 2 với 267 điểm, trong khi đó ban giám khảo lại cho 97 điểm, chiếm vị trí thứ 9.

Ban nhạc Phần Lan Blind Channel nhận được 218 điểm của khán giả. Nếu kết quả của Eurovision chỉ được xác định bởi công chúng, họ sẽ đứng thứ tư. Nhưng ban giám khảo đã chấm cho các ca sĩ nhạc rock Phần Lan 83 điểm, chiếm vị trí thứ 11.

Khác nhau về thị hiếu

Về sự khác nhau giữa thị hiếu của ban giám khảo và công chúng người ta đã nói từ lâu. Năm 2015, ban nhạc Ý Il Volo được khán giả yêu thích nhất, nhưng cuối cùng chỉ đoạt giải 3. Năm 2016, công chúng bình chọn cho ca sĩ Nga Sergey Lazarev, người cũng đứng ở vị trí thứ ba. Tất nhiên, vẫn có những ca sĩ nhận được sự đồng thuận của cả hai phía.

Năm 2017, ca sĩ Bồ Đào Nha Salvador Sobral được cả ban giám khảo lẫn khán giả yêu thích như nhau. Năm 2019, ca sĩ Hà Lan Duncan Lawrence đoạt giải Nhất với số điểm của ban giám khảo và khán giả chênh lệch không đáng kể (231 và 261 tương ứng).

Tuy nhiên, năm 2021, khoảng cách giữa sở thích của các nhà chuyên môn và khán giả là rất lớn. Ca sĩ Thụy Sĩ Gjon’s Tears nhận được số điểm của khán giả ít hơn 102 điểm so với điểm của ban giám khảo (267 so với 165).

Ban nhạc Ý Måneskin thì ngược lại, 318 điểm của khán giả và 206 điểm của ban giám khảo. Số điểm chênh lệch của ban nhạc Ukraine Go_A thậm chí còn cao hơn, tới 170 điểm: Khán giả cho họ 267 điểm, còn các thành viên ban giám khảo chỉ chấm 97 điểm.

Bỏ phiếu là cao trào của cuộc thi. Có một số người hâm mộ của Eurovision chỉ xem bỏ phiếu chứ không xem biểu diễn. Thông thường, người thắng cuộc được phát hiện khá nhanh. Nhưng năm nay, mọi chuyện hoàn toàn khác - chính là vì có khoảng cách lớn giữa tiếng nói của ban giám khảo và khán giả.

Nữ ca sĩ Pháp Barbara Pravi đoạt giải Nhì tại cuộc thi.

Nữ ca sĩ Pháp Barbara Pravi đoạt giải Nhì tại cuộc thi.

Vụ bê bối của Damiano David

Có thể, ban nhạc Måneskin của Ý làm mất lòng ban giám khảo vì tác phong lập dị. Đặc biệt là giọng ca Damiano David. Đầu tiên, anh ta xuất hiện tại buổi họp báo trong bộ dạng bán khỏa thân, còn sau đó, nam ca sĩ bị cáo buộc sử dụng ma túy ngay trước ống kính.

Tất cả những ai ít nhiều quan tâm đến Eurovision đều biết thuật ngữ “Bỏ phiếu cho nước láng giềng”. Bạn không thể bỏ phiếu cho nước mình, nhưng hoàn toàn có thể bỏ cho nước láng giềng. Nhiều năm nay, Nga nhận được số điểm cao của ​​Belarus, còn Hy Lạp của Síp. Trong bối cảnh đó, 12 điểm mà Nga chấm cho nữ ca sĩ người Moldova Natalia Gordienko với ca khúc “Sugar” xem ra hợp lý.

Tại Eurovision 2021, đội thi của Anh bị cả ban giám khảo lẫn khán giả “nốc ao”. Tiết mục của ca sĩ James Newman quả có hơi yếu, nhưng bị cho điểm “zero” thì quá đáng.

Tại sao không phó mặc cho khán giả?

Đây là một câu hỏi khó. Eurovision xuất hiện cách đây khá lâu, vào những năm 1950, khi chưa có sự bình chọn của khán giả. Thủ tục này chỉ được áp dụng vào năm 1997, và chỉ ở một vài quốc gia, trước đó mọi thứ đều do ban giám khảo quyết định.

Năm 1998, người ta định tổ chức cho khán giả bỏ phiếu ở tất cả các nước, nhưng khả năng kỹ thuật thời đó còn khá khiêm tốn. Phiếu bầu được nhận qua điện thoại, nhưng do hoạt động của mạng điện thoại không hoàn hảo nên đã xảy ra lỗi.

Năm 2004, quyền lựa chọn người thắng cuộc được trao cho khán giả, nhưng đến năm 2009, người ta áp dụng hệ thống “hỗn hợp”, và nó tồn tại đến ngày nay. Ban tổ chức Eurovision lý giải sự trở lại của hệ thống “hỗn hợp” nhằm chấm dứt việc “bỏ phiếu mang tính chính trị” và “bỏ phiếu sắc tộc”.

Theo ý tưởng, đây là hệ thống công bằng nhất, vì nó cho phép cả hai bên phát biểu ý kiến (cả những người bình thường lẫn các chuyên gia). Về lý thuyết, ban giám khảo phải đánh giá các nghệ sĩ trên quan điểm chuyên môn.

Tuy nhiên, thông thường, các nhà chuyên môn không tránh khỏi thiên vị. Những người hâm mộ của Eurovision thường phàn nàn ban giám khảo cảm tình với những ca sĩ nhàm chán nhất. Khác với các chuyên gia, khán giả nhiệt liệt hoan nghênh những tiết mục nổi bật, những xu hướng mới tại Eurovision.

Bản thân những người tổ chức Eurovision hiểu rõ tầm quan trọng của tiếng nói khán giả. Nếu hai ca sĩ giành được số điểm như nhau, người có điểm “khán giả” cao hơn sẽ chiếm vị trí cao hơn. Khán giả là số đông với những thị hiếu và sở thích khác nhau...

Phương án thay thế

Sau mỗi cuộc thi Eurovision, xuất hiện các vấn đề về sự công bằng trong các đánh giá của ban giám khảo, và hầu hết chúng đều được biện minh. Tại một cuộc thi như

Eurovision, sự bình chọn của khán giả quan trọng hơn - nó mang tính “đại chúng” hơn là “uy tín”. Hơn nữa, nó là một trong những sự kiện “ngoài thể thao” được xem nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, những đánh giá khách quan của giới chuyên môn cũng đáng được quan tâm. Nhờ chúng, Eurovision không những mang đặc điểm của một show diễn, mà còn là một cuộc thi âm nhạc nghiêm túc.

Phải chăng ban tổ chức Eurovision nên nghĩ ra một hình thức đánh giá mới? Hoặc là thành lập một giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo, còn việc bỏ phiếu thì trao cho khán giả? Biết đâu, điều đó có thể rất thú vị.

Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.