Người ta biết dân Sơn Lôi khéo sẽ hoảng luôn!
Con đường gầm cầu chui 310 dẫn vào thôn Ngọc Bảo (xã Sơn Lôi) sáng 13/2 không còn nhộn nhịp. Chốt kiểm soát đi lại đã được dựng lên. Người dân nơi đây thường xuyên đeo khẩu trang và sát trùng cơ thể.
Theo quan sát của phóng viên, ngay từ đầu giờ sáng, người dân thuộc xã Sơn Lôi ở nơi khác về vẫn được đi vào. Chỉ những người có lý do chính đáng, được kiểm tra thân nhiệt mới có thể đi ra. Người dân nơi khác sẽ không được vào Sơn Lôi.
Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Ngọc Bảo (xã Sơn Lôi) cho biết, từ khi có dịch, cơ sở kinh doanh của chị phải tạm dừng. Nó khiến mọi sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn.
“Khi thôn Ngọc Bảo – nơi có 2 người dương tính với Covid-19 lây từ thôn Ái Văn sang. Đó là bà Phạm Thị B. 42 tuổi và Nguyễn Thị Y. 55 tuổi. Từ thời điểm đó, nhiều hoạt động kinh doanh gặp phải khó khăn. Cơ sở kinh doanh của tôi cũng tạm dừng…”, chị Minh thông tin.
Chị Minh cho biết, khoảng 7 giờ sáng 13/2, khi chưa đóng chốt kiểm soát, nhiều công nhân vẫn đi làm bình thường. Các cơ sở kinh doanh bán hàng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác ở chỗ, từ khi có dịch bệnh, các mặt hàng không còn đa dạng.
“Các đại lý thiếu hàng vì không ai dám đến giao hàng. Ngay như phòng khám của tôi, khi có dịch là tôi cho bệnh nhân nghỉ, hạn chế đi lại. Bố tôi chạy xe ở tỉnh khác nhưng mấy hôm nay cũng nghỉ. Ông ngại với khách hàng và đồng nghiệp. Người ta biết dân Sơn Lôi khéo sẽ hoảng luôn…”, chị Minh tâm sự.
Niềm tin từ trong ổ dịch
Ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng thôn Ngọc Bảo cho biết, ngay sau khi triển khai cách ly, người dân thôn Ngọc Bảo hoàn toàn ủng hộ. “An ninh đảm bảo. Người dân có nguyện vọng, lý do chính đáng, tại các điểm chốt ra vào vẫn được giải quyết sau khi đo thân nhiệt...”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, cho đến chiều tối ngày đầu tiên cách ly, đời sống của người dân không bị xáo trộn nhiều. “Chúng tôi cùng đoàn thanh niên tuyên truyền nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo sức khỏe phục vụ cho chính bản thân mình và xã hội. Nhân dân tin tưởng vào sự nỗ lực của ngành y, chính quyền trong chống dịch. Chúng tôi mong dịch không lan rộng…”, ông Quyền bày tỏ.
Cẩn thận là thế nhưng người dân xã Sơn Lôi mỗi khi tiếp xúc với người ở địa phương khác đều gặp phải những ánh mắt cẩn trọng kèm theo thái độ dè chừng. Ông Lê Văn Hiếu, Trưởng thôn Nhân Nghĩa (xã Sơn Lôi), chia sẻ, xã Sơn Lôi là trọng điểm vùng dịch. Thế nên người Sơn Lôi đi làm ăn ở các địa phương khác khó tránh khỏi bị kỳ thị.
Thông tin với Báo GD&TĐ chiều 13/2, ông Nguyễn Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết: “Sơn Lôi được xác định là ổ dịch. Tuy nhiên, những người dương tính với Covid-19 và những người tiếp xúc trực tiếp đều trong vòng kiểm soát từ khi bắt đầu có dịch. Khi trường hợp nữ bệnh nhân D. dương tính. Huyện đã cho cách ly và giám sát từ 30/1 đến nay. Huyện không bị động bất ngờ về dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn lo có những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 mà không khai báo với chính quyền…”.
“Mỗi người dân thấy rằng cần thiết phải bảo vệ chính mình và cộng đồng nên hoàn toàn ủng hộ. Tỉnh hỗ trợ từ kinh phí tới cơ sở vật chất cho người dân trong thời gian cách ly. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương. Huyện Bình Xuyên có phương án bình ổn giá cả, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Không có chuyện tăng giá thực phẩm trong thời gian cách ly...”, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên nhấn mạnh.
Chống dịch như “chống giặc”
Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến chiều 13/2 tại Việt Nam đã có 16 người bị bệnh Covid-19 (nCoV). Riêng Vĩnh Phúc có 11 trường hợp. Trong đó có 7 trường hợp đã khỏi bệnh. Bệnh nhân thứ 16 là N.V.V. (nam giới, 50 tuổi, địa chỉ: Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được xác định nhiễm virus Covid-19. Bệnh nhân V. là bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây). Đây cũng là bệnh nhân ở cùng nhà với bệnh nhân D trong thời gian lúc bệnh nhân D trở về Việt Nam từ Vũ Hán đến lúc được nhập viện cách ly.
Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, chống dịch như “chống giặc”, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tổng lực. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, quan điểm và chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc là ưu tiên cho công tác chống Covid-19 với phương châm tại chỗ. Tất cả các tổ chức và địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân tự phòng, chống dịch bệnh.
Về biện pháp phòng chống Covid-19 trên địa bàn, bà Thúy Lan nêu rõ: Vĩnh Phúc có 8 công nhân sang Vũ Hán tập huấn nghề nghiệp. Khi công bố dịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, cách ly các trường hợp từ Vũ Hán trở về. Về cơ bản các trường hợp này được coi như dương tính ngay từ đầu dù chưa xét nghiệm…
Tỉnh đã thành lập 4 đoàn, kiểm tra tất cả các huyện, trong đó đặc biệt chú trọng huyện Bình Xuyên và các thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên. Các doanh nghiệp trên địa bàn có đông công nhân làm việc cũng được kiểm tra. Đối với các xã khác của huyện Bình Xuyên, tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để phòng, chống Covid-19. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh sẽ được huy động để tăng cường bác sĩ đến cơ sở (mỗi xã 5 người).
Trong ngày 13/2, Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Y tế tập huấn chuyên môn cho hơn 100 bác sĩ tuyến trên, tăng cường từ các đơn vị của Bộ Y tế, bệnh viện ở địa phương khác đến hỗ trợ phòng chống dịch. Bệnh viện dã chiến của tỉnh cũng đã sẵn sàng với 300 giường bệnh.