Chụp được ảnh gấu trúc bạch tạng
Camera đặt trong khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long ở Trung Quốc vừa thu được hình ảnh gấu trúc bạch tạng.
Đây là trường hợp gấu trúc bạch tạng đầu tiên sống trong tự nhiên được các nhà khoa học biết đến. Nhà khoa học Li Sheng ở ĐH Bắc Kinh đánh giá, gấu trúc có tuổi từ 1 đến 2 năm. “Trông nó rất khỏe.
Dường như biến đổi gen không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gấu trúc” – ông nói. Các nhân viên ở khu bảo tồn sẽ lắp đặt thêm nhiều camera để theo dõi sự phát triển của gấu trúc bạch tạng và mối quan hệ của nó đối với những con gấu trúc “bình thường” khác sống trong khu vực.
Những hố nước bí ẩn trong băng Nam cực
Từ lâu các nhà khoa học đã quan sát hiện tượng bất thường trên biển Weddell ở vùng Nam cực: Trong lớp băng ở đó, thỉnh thoảng xuất hiện những cái hố lớn gọi là polynya (hố chứa nước không đóng băng).
Sau một thời gian các hố này lại biến mất. Các hố polynya thường xuất hiện phía trên ngọn núi dưới nước tên là Maud Rice. Mới đây, các nhà khoa học ở ĐH Washington (Mỹ) đã giải thích được cách hình thành và nguyên nhân hình thành những cấu trúc này.
Các nhà khoa học ở ĐH Washington đã sử dụng ảnh vệ tinh và các robot bơi, thậm chí sử dụng cả hải cẩu với cảm biến gắn trên đầu để nghiên cứu hiện tượng này.
Dữ liệu thu được cho thấy trên biển Weddell xuất hiện những điều kiện đặc biệt cùng những cơn bão mạnh. Khi có gió mạnh, phía trên ngọn núi dưới nước Maurice xuất hiện những xoáy nước. Lớp nước ấm và mặn hơn di chuyển từ dưới sâu lên bề mặt, sau đó nguội đi, trở nên nặng hơn và chìm xuống. Hiệu ứng tuần hoàn này gây khó khăn cho sự hình thành băng.
Cầu kiêm tòa nhà
Chẳng bao lâu nữa, một cây cầu khác thường kiêm tòa nhà tên là Tower of the Sun (Tháp Mặt trời) sẽ xuất hiện trên sông Ishim chảy qua trung tâm thủ đô Nursultan (Kazakhstan).
Tổng cộng diện tích sử dụng tòa nhà là 75.000 m2. Một hệ thống thủy điện trên sông sẽ cung cấp năng lượng cho tòa nhà. Tháp Mặt trời sẽ liên kết hài hòa với cơ sở hạ tầng đô thị. Hiện chưa biết chính xác thời điểm nó được khởi công.