Cuộc sống muôn màu

GD&TĐ - Người dân thành phố Brandon (Canada) đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến hiện tượng hào quang trên bầu trời. 

Cuộc sống muôn màu

“Mắt khổng lồ” trên bầu trời Canada

Theo mô tả của nhiều nhân chứng, hào quang này trông giống như một con mắt khổng lồ. Hào quang xuất hiện xung quanh đĩa mặt trời khi những tinh thể băng li ti trong không khí làm khúc xạ ánh sáng tới mắt chúng ta.

Hào quang thường có liên quan đến sự xuất hiện của loại mây cirrus (mây ti) trên độ cao 5 - 10 km.

Sao lùn đỏ có thể gây nhiễu Hệ mặt trời

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng sao lùn đỏ Gliese 710 trong chòm sao Cự Xà (cách Trái đất khoảng 64 năm ánh sáng) đang di chuyển về phía Hệ Mặt trời và có thể gây ra khá nhiều nhiễu loạn.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Adam Mickiewicz (Ba Lan) đã quyết định tính toán khi nào sao lùn đỏ này tiếp cận Hệ Mặt trời. Hóa ra, sao lùn đỏ Gliese 710 di chuyển với tốc độ khoảng 51.000 km/h và sẽ bay đến gần Trái đất ở khoảng cách 77 ngày ánh sáng sau 1,35 triệu năm nữa.

Như vậy, sao lùn đỏ này không va chạm vào Trái đất, nhưng sẽ di chuyển qua Đám mây Oorta và sẽ gây ra rối loạn. Nhiều tiểu hành tinh, nhiều sao chổi sẽ bị văng ra khỏi quỹ đạo và một số trong đó có thể sẽ va vào Trái đất.

Hàng triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng

Báo cáo của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học và hoạt động các hệ sinh thái cho thấy hàng triệu loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo cũng cho biết chưa bao giờ thiên nhiên bị đe dọa như hiện nay; các loài chết đi nhanh hơn hàng trăm lần so với trong quá khứ.

Hơn một nửa số loài động vật trên cạn có khả năng bị tuyệt chủng do mất môi trường sinh sống tự nhiên. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các sinh vật sống trong lòng đại dương.

Khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay là hậu quả từ các hoạt động của con người. Các chính phủ, công ty và từng cá nhân cần tiếp tục có những hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn các thảm họa sinh thái.

Theo Onet; Interia; Geekweek

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ