Cuộc sống đảo lộn vì... Covid-19

Cuộc sống đảo lộn vì... Covid-19

Sinh hoạt đảo lộn

Có bà nội ở cùng nên trong tuần nghỉ đầu tiên, chị Ngọc Hằng khá thoải mái khi để con ngủ đến 9 - 10 giờ sáng, dậy lúc nào ăn lúc đó, có khi gộp cả bữa sáng và bữa trưa thành một.

Sang tuần thứ hai chị bắt đầu sốt ruột vì con chị dường như đã thiết lập “nhịp sinh học” mới: Gần 12 giờ đêm mới ngủ, sáng gọi từ 8 giờ không dậy nổi.

Chị quyết định lập thời gian biểu, yêu cầu con viết tỉ mỉ công việc của mỗi ngày nhưng chị cho biết, liệt kê vậy để con tự giác thực hiện chứ không thể ép chi li từng giờ, thường con chỉ làm được một lát lại mất tập trung.

Có cô con gái đang học lớp 12, chị Thu Huyền than thở: “Cuối cấp rồi, sắp thi rồi mà cứ nghỉ học miết nên tôi rất lo. Hàng ngày vẫn ép con phải ôn bài, làm đề cương nhưng con lớn rồi, ngoài giờ học vẫn muốn được gặp bạn bè.

Cấm quá thì con tranh thủ lúc bố mẹ đi làm, bà bận trông em thì trốn đi nên thỉnh thoảng tôi vẫn cho con đến nhà bạn nhưng dặn con phải đeo khẩu trang cẩn thận.

Dặn dò là vậy nhưng tôi vẫn lo vì cái tuổi đó khó bảo lắm, con có đeo không thì mình không biết mà cũng không kiểm soát được”.

Anh Ngọc Phú (quận Tân Phú) thì lại bị ám ảnh bởi chuyện vợ anh cứ bắt cả nhà thường xuyên rửa tay. Sáng sớm thức dậy đã bị thúc giục rửa tay, đi đâu về đều phải rửa tay, trước giờ ăn rửa tay, thậm chí phải rửa tay trước khi đi ngủ.

Anh cho biết yêu cầu của chị nhà là không sai, tuy nhiên bắt các con rửa tay quá nhiều lần trong ngày như vậy chưa hẳn là tốt. Bởi làn da non nớt của các con sẽ rất dễ bị tổn thương do những chất sát khuẩn có trong xà phòng, dung dịch rửa tay…

Ngược lại, chị Đan Thanh (quận 9) cho biết, chồng chị rất chủ quan lơ là trước chuyện giữ vệ sinh chung cho cả gia đình, trong khi nhà chị có cả người già lẫn trẻ con. Bị chị ép buộc, mỗi khi ra khỏi nhà anh cũng mang theo khẩu trang nhưng không đeo hoặc đeo “lấy lệ” chỉ che miệng, còn phần mũi chừa ra cho… dễ thở.

Vì thế mà hai vợ chồng suốt ngày cự nự nhau. Nhưng cũng nhờ dịch bệnh mà chồng chị giảm hẳn các buổi tụ tập nhậu nhẹt, bữa cơm gia đình cũng trở nên đầm ấm, gần gũi hơn.

Dịch bệnh không phải toàn điều tiêu cực

Nhiều người nhìn vào dịch bệnh Corona lần này thì hoảng loạn và chỉ thấy toàn những điều tiêu cực. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, có rất nhiều điều tích cực từ chính dịch bệnh này.

Với hơn 1 tuần nghỉ Tết và thêm 2 tuần nghỉ vì dịch bệnh, bé Thanh Trà 11 tuổi đã có thể nấu cơm khá thành thạo và biết trông em bé 4 tuổi giúp bố mẹ.

Được mẹ hướng dẫn, Trà đã biết cắm cơm, nhặt rau, rửa rau, luộc rau, rán trứng, xào một số loại rau củ, hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, rửa bát, quét nhà… Vì chỉ có hai chị em ở nhà, Trà hướng dẫn em đi vệ sinh, thậm chí khi em tè dầm, Trà đã biết rửa ráy và thay quần áo cho em.

Còn cậu bé Đức Anh – một học sinh lớp 2 đã làm cho kỳ nghỉ học vì dịch bệnh của mình trở nên không hề nhàm chán với việc xếp mô hình lego và đọc sách khoa học. Cậu bé đã lắp ráp được gần chục mô hình phức tạp và đọc được hơn chục cuốn sách về khám phá khoa học, thiên nhiên, vũ trụ.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết, trẻ nhỏ rất thích được làm việc nhà với bố mẹ. Chính vì thế, đây là cơ hội vàng để hướng dẫn con nấu ăn, làm việc nhà, vì thế hãy biến những việc trong nhà thành những trò chơi và cùng chơi chúng với con.

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, đợt dịch virus Corona này là một dịp may để rèn cho con thói quen tốt, dạy con những kỹ năng về bảo vệ bản thân… Cha mẹ cũng xem đây là cơ hội tốt để thay đổi nếp sống của gia đình, để cả nhà được gắn kết hơn, là cơ hội để mỗi phụ huynh quay về chăm lo cho gia đình, để cả nhà cùng chơi với nhau, cùng nấu và ăn những bữa cơm sum vầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.