Ai cũng thắc mắc, một người phụ nữ trẻ trung, năng động, mồm năm miệng mười như chị sao có thể yêu một “lão già” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như anh. Chưa kể, anh còn là người ngoại quốc, đã từng trải qua một cuộc hôn nhân không mấy êm đẹp, lại còn có 2 con riêng đã trưởng thành. Nhìn bề ngoài, chị và anh chẳng khác nào “chú – cháu”, vậy mà bất chấp tất cả, đám cưới của họ vẫn diễn ra.
Chị bỏ hết sự nghiệp dang dở tại Việt Nam để theo anh sang định cư ở nước ngoài. Ở đây, chị cứ như cá gặp nước, môi trường mới có vẻ rất phù hợp với tính cách của chị. Ở đâu có chị là ở đó lúc nào cũng rực rỡ và náo nhiệt. Chị giống như một luồng gió nhiệt đới phả vào cuộc sống trầm lặng của anh. Anh vui vẻ đón nhận tất cả.
Chị vung tay mua về những món đồ hàng hiệu, phủ kín từ đầu đến chân. Không chỉ làm đẹp cho bản thân, chị cũng sắm cho anh những bộ đồ dường như hơi quá rực rỡ so với tuổi. Mặc những người xung quanh lắc đầu ái ngại, anh vẫn mặc, miễn sao chị thấy vui. Chị bảo anh bán quách chiếc xe hơi cổ lỗ sĩ để mua về “con” BMW màu đỏ, dáng thể thao cho phù hợp với phong cách thời trang của chị, anh cũng “ok”.
Người nhà anh không ưa chị ra mặt, nhưng chị không e ngại mà còn “giận ngược” họ. Chị tâm sự với cô bạn thân: “Tôi không ngờ, sống giữa trời Âu mà vẫn bị xét nét, lườm nguýt. Tại sao họ cứ phải bận tâm đến cuộc sống của tôi nhỉ? Hóa ra ở đâu cũng chất chứa đầy sự phán xét và định kiến. Nhưng tôi cứ kệ! Tôi kết hôn và sống với lão Dean chứ có ở với họ đâu”. Bạn chị đồng tình: “Ừ, đời ta là của ta mà, bà cứ thoải mái đi, kệ họ, để ý làm gì cho mệt”.
Chỉ sau 9 năm chung sống với anh, chị sinh đến 4 đứa con gái. Ở tuổi của anh, không ai còn muốn trải nghiệm cảnh con cái nheo nhóc. Chuyện sinh con cũng là vì chiều theo ý muốn của chị. Thi thoảng về Việt Nam chơi, gặp gỡ bạn bè, chị tỏ ra rất tự hào về tổ ấm của mình. Bạn bè không ngớt lời khen: “Tứ nữ bất bần, nhất bà đấy”, thế nhưng sau lưng chị, họ chỉ biết lắc đầu ái ngại, đặc biệt là khi chứng kiến cảnh người chồng đầu 2 thứ tóc của chị mướt mải mồ hôi khi phải trông nom, chăm sóc lũ “tiểu quỷ”.
Chị và 4 đứa trẻ cuốn anh vào cuộc sống lu bu, đến mức anh không có lúc nào ngửa mặt lên để than phiền. Cơ thể rệu rã, nặng nhọc của anh cũng chẳng có cơ hội nào ngơi nghỉ. Không chỉ cuộc sống mà công việc của anh cũng bị đảo lộn hoàn toàn kể từ khi chị nhúng tay vào. Cửa hàng bán thịt nướng truyền thống của gia đình đã được phát triển thành nhà máy sản xuất thịt đông lạnh hoành tráng với hàng chục công nhân.
Ai cũng bảo anh “già mà dại”, có chút tiền thì cứ tích vào ngân hàng, lấy lãi hàng tháng để xài dần. Đằng này, anh đổ hết vào thương vụ làm ăn, chẳng biết lỗ lãi ra sao, nhưng nhìn vào quy mô đầu tư, người ta chỉ thấy ái ngại thay cho anh. Tất cả đều chiều theo ý tưởng và sở thích của chị. Chị bảo: “Không kinh doanh thì thôi, nhưng nếu đã máu thì phải đầu tư cho thật hoành tráng”. Chị còn trẻ nên lúc nào cũng như người dư năng lượng. Anh chưa kịp mở miệng phàn nàn đã bị chị “đánh phủ đầu”: “Anh phải thương em và các con chứ. Bây giờ chúng nó còn nhỏ, nhưng sau này đi học, tốn kém bao nhiêu, anh có biết không? Chúng ta không còn cách nào khác là phải kiếm tiền, thật nhiều tiền mới được”.
Miệng nói là kiếm tiền vì tương lai con cái, nhưng chị lại chi tiêu quá nhiều vào những khoản không cần thiết. Chị bắt anh bán căn nhà cũ để mua một ngôi nhà rộng như tòa lâu đài có đến 11 phòng ngủ, có cả sân vườn cho trẻ con chơi. Căn nhà quá lớn, nằm ngoài khả năng tài chính của gia đình, nhưng chị đã thích là quyết mua bằng được. Cuối cùng, anh phải chấp nhận phương án vay tiền ngân hàng và trả dần hàng tháng.
Quản lý một nhà máy với hàng chục con người không hề đơn giản. Nhân viên làm sai, chủ không dám trách mắng nặng lời, nhưng chủ làm sai, nhân viên sẵn sàng đe dọa, kiện cáo. Điều hành nhà máy được gần 2 năm, chị bắt đầu thấm thía nỗi vất vả, cơ cực, ức chế của người làm chủ.
Vốn là người trầm lặng, chậm rãi và nhẹ nhàng, anh đã hoàn toàn bị choáng ngợp trước cơn “lốc xoáy” chị mang đến cho cuộc đời mình. Anh đổ bệnh và phải nằm viện. Người nhà anh càng có thêm lý do để ghét chị. Nhưng có một điều rất kỳ lạ, chị “điên” như vậy nhưng hễ nhìn thấy nụ cười dịu dàng và giọng nói ngọt như kẹo, anh chẳng thể giận chị lâu được. Chứng kiến cảnh chị xăm xắn chăm anh ở bệnh viện, người nhà anh cũng không thể “nổi điên” được nữa.
Nửa đêm, chị mở điện thoại, gọi cho cô bạn thân: “Lão Dean bị tiểu đường nặng, nếu không kiêng khem cẩn thận, có khi phải cưa chân. Ngôi nhà của chúng tôi sắp bị ngân hàng thu hồi. Tôi cũng chuẩn bị công bố phá sản và đóng cửa nhà máy đây bà ạ”. Bạn chị cuống quýt: “Ơ, nhà bị thu hồi thì vợ chồng con cái ở đâu?”. Chị cười “khà khà” trong điện thoại: “Thì chúng tôi sẽ tìm đến nhà ở xã hội, lo gì!”.
Bạn chị mắng xối xả: “Bà thôi đi, vừa phải thôi, bà phải biết thương lão Dean chứ, bà phá nát cuộc đời lão còn chưa đủ hay sao?”. Giọng chị bỗng trầm xuống: “Ừ, tôi biết chứ, lão ấy khổ vì tôi nhưng thi thoảng lão vẫn nói cảm ơn tôi. Tôi khiến lão cảm thấy lão như được sinh ra lần thứ 2 trong đời vậy. Tôi nghe mà chảy nước mắt”.