Cuộc đời thăng trầm của cha đẻ KFC

Cuộc đời thăng trầm của cha đẻ KFC

Tuổi thơ không bình yên

Harland David Sanders, sinh năm 1890 ở bang Indiana, Mỹ có một tuổi thơ nhọc nhằn. Cha mất khi ông mới lên 5 tuổi, mấy mẹ con ông sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Bà phải nhận công việc nặng nhọc tại nhà máy làm đồ hộp ở địa phương.

Trong khi bà đi làm, cậu bé Harland phải chăm sóc hai đứa em còn nhỏ dại. Ngoài lau nhà và trông trẻ, Harland còn phải nấu ăn cho cả nhà. Nhờ vậy mà một năm sau ông đã có thể nấu được rất nhiều món đặc trưng của vùng.

Năm Sanders lên 12, mẹ ông tái hôn với một người đàn ông cục cằn, khó tính. Vì bố dượng không thích con trai, nên em trai của Sanders bị gửi đến sống với người dì, còn ông phải nghỉ học sớm đến làm việc ở một trang trại cách nhà hơn 100km.

Làm đủ thứ nghề, kể cả hộ sinh

Trong 3 thập niên đầu của cuộc đời mình, Harland Sanders đã làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Mặc dù chỉ học đến lớp 6, nhưng ông cũng xoay xở tìm được những công việc như bán bảo hiểm, điều khiển tàu phà, lính cứu hỏa đường sắt, bán vỏ xe và thư ký.

Có lúc ông còn làm công việc của… một người đỡ đẻ. Sanders ngưỡng mộ Clarence Darrow (1857 - 1938) một luật sư nổi tiếng ở Mỹ, vì vậy ông đăng ký học một khóa học hàm thụ về luật. Sau khi có bằng, ông hành nghề ở bang Arkansas, nhưng chẳng bao lâu kết thúc nghề nghiệp luật sư khi xông vào một phòng xử án cãi nhau ầm ĩ với chính khách hàng của mình.

Được phong Đại tá nhờ tài ẩm thực

Nhiều người cho rằng Đại tá Sanders là một người lính, có được cấp bậc này sau nhiều năm phục vụ quân đội, nhưng đây chỉ là một phần sự thật. Sanders gia nhập quân đội Mỹ lúc mới 16 tuổi sau khi làm giả giấy khai sinh để qua mặt ban tuyển quân, nhưng rồi ông bị giải ngũ sau một thời gian ngắn phục vụ ở Cuba.

Mãi đến năm 1935, gần 30 năm sau đó, để tôn vinh những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực, Ruby Laffoon, Thống đốc bang Kentucky đã phong tặng ông cấp bậc Đại tá danh dự, cấp cao nhất mà một tiểu bang có thể trao cho một công dân.

Thích thú với cấp hàm này, Sanders quyết định bắt đầu mặc trang phục của một Đại tá miền Nam. Ông mặc áo vest màu đen và thắt cà vạt đen nhưng sau đó thấy rằng, bột mà ông dùng để rán gà dính trên áo nên đổi sang mặc đồ toàn trắng.

Thăng trầm khởi nghiệp

Năm 1930, khi đã 40 tuổi, Harland Sanders mở một trạm xăng ở Corbin, Kentucky, nằm ven quốc lộ, xe cộ nhộn nhịp. Sau đó, ông để ý nhiều khách hàng đến đổ xăng cho xe, trong khi cái bụng của họ lép kẹp.

Thấy vậy, Sanders quyết định mở quầy bán bữa ăn gà rán nấu tại chỗ nóng hổi, với đậu xanh, mướp và bánh quy bơ sữa. Trong thời kỳ này ông đã hoàn thiện công thức bí mật và hình thành một nhà hàng gà rán nổi tiếng. Vào năm 1939, ông phát triển phương pháp rán gà bằng nồi áp suất giúp giảm dầu mỡ và bảo quản hương vị, độ ẩm và kết cấu mà vẫn tiết kiệm thời gian.

Mọi chuyện đang suôn sẻ thì đường cao tốc chạy qua nhà hàng của Sanders được định tuyến lại và nền kinh tế xuống dốc khiến công việc kinh doanh của ông bị ảnh hưởng. Khách hàng thưa dần nên Sanders quyết định bán nhà hàng và mang những con gà lên đường để phổ biến món ăn đặc trưng của mình.

Trên hành trình khắp đất nước, ông dừng tại những nhà hàng dọc theo đường đi và giới thiệu sản phẩm. Sau khi các ông chủ nếm thịt gà, ông đàm phán nhượng quyền với họ, lấy hoa hồng 0,04USD trên mỗi mẩu gà mà họ bán, đổi lại ông sẽ dạy họ cách làm.

Sau khi bị nhiều nhà hàng từ chối thẳng thừng, ông đạt được thỏa thuận nhượng quyền đầu tiên với một nhà hàng ở Utah. Chẳng bao lâu sau, các nhà hàng khắp đất nước đều bán gà rán Kentucky của Đại tá Sanders.

Để kiểm tra các cửa hàng nhượng quyền, ông đã đi quãng đường hơn 400.000 km mỗi năm. Ông rất lưu tâm đến chất lượng món ăn và sự hoàn hảo trong cung cách phục vụ khách hàng, tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính điều này khiến KFC phát triển với tốc độ chóng mặt.

Đại tá Sanders đứng trước một nhà hàng KFC
 Đại tá Sanders đứng trước một nhà hàng KFC

Đại sứ thương hiệu

Năm 1964, khi Đại tá Sanders sở hữu một doanh nghiệp nhiều triệu đô la và có hơn 600 nhà hàng bán thịt gà rán, thì ông nhận được lời đề nghị mua lại của John Y. Brown Jr., một luật sư và Jack C. Massey, một triệu phú.

Sau nhiều lần đàm phán, ông chấp nhận bán công ty với giá 2 triệu USD, với điều kiện là những người chủ mới phải giữ nguyên công thức nấu nướng của mình. Nhưng những người chủ mới sau đó mở một loạt nhà hàng độc lập tên gọi là Gà rán Kentucky.

Ít lâu sau, Sanders khởi kiện và đòi bồi thường 112 triệu USD, bởi vì họ không giữ lời hứa với ông trước đây nên chất lượng thức ăn bị xuống. Vụ kiện được đưa ra tòa án xử, Sanders nhận 1 triệu USD, đổi lại ông đảm nhận nhiều vai trò thực hành tại KFC, hướng dẫn những đầu bếp thực hiện các công thức của ông.

Ông còn đảm nhận cương vị Đại sứ thương hiệu cho chuỗi nhà hàng KFC. Ngày nay, chúng ta nhìn thấy hình ảnh một ông già với râu tóc bạc đang mỉm cười hiền hậu trên logo KFC. Đó chính là hình ảnh của Đại tá Sanders.

Cuộc sống gia đình

Cuộc sống gia đình của Harland Sanders không suôn sẻ. Năm 1908, ông kết hôn với Josephine King. Họ có với nhau 3 người con: Hai gái (Margaret và Mildred), một con trai ) Harland Sanders, Jr).

Khi Harland Jr. chỉ mới 20 tuổi, anh trải qua một phẫu thuật cắt amidan, một tiến trình mà vào thời đó cũng được xem là đơn giản. Tuy nhiên, không may chàng trai lại gặp biến chứng và qua đời do nhiễm trùng máu.

Cái chết bất ngờ của Harland Sanders, Jr. đã khiến người cha lâm vào trạng thái trầm cảm nặng nề và cuộc hôn nhân giữa hai người đổ vỡ. Harland và Josephine ly dị sau 40 năm chung sống. Hai năm sau đó, Harland kết hôn với Claudia Leddington, người gắn bó và ủng hộ ông cho đến cuối đời.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.