Tài năng của Diana Serra Cary được khám phá vào năm 1920, khi bà mới lên 2 tuổi. Baby Peggy nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt nổi tiếng của kỷ nguyên phim câm tại Hollywood với mái tóc cắt ngắn màu đen tuyền và biểu cảm khuôn mặt đặc sắc.
Gương mặt vàng của Hollywood
Khi lên 5 tuổi, Baby Peggy đã là triệu phú tự thân, góp mặt trong gần 150 đoạn phim ngắn và ba phim dài. Vào năm 6 tuổi, Baby Peggy đã nhận được hơn 1,2 triệu lá thư từ người hâm hộ.
Theo tờ New York Times, diễn viên nhí từng sở hữu một dòng búp bê đồ chơi được đặt theo tên mình.
Baby Peggy và cha mẹ sống trong một căn biệt thự nguy nga ở Beverly Hills. Mỗi ngày cô bé được chở đến phim trường bằng một chiếc limo, với những người giúp việc kề cận phục vụ mọi nhu cầu của cô.
Năm 1924, Baby Peggy là người kéo quốc kỳ trong Hội nghị Quốc gia của Đảng dân chủ, được đứng bên cạnh chính trị gia Franklin Delano Roosevelt. Tuy nhiên, tới năm 1925, mâu thuẫn giữa cha của Baby Peggy và một hãng phim đã đẩy sự nghiệp của con gái ông vào ngõ cụt.
Năm 7 tuổi, Baby Peggy trở thành cái tên bị nhiều hãng phim nổi tiếng quay lưng và ghẻ lạnh. Điều đáng nói, đây là những hãng phim từng bóc lột sức lao động của bà bằng lịch trình làm việc kéo dài 8 tiếng mỗi ngày không giờ nghỉ, trong suốt 6 ngày một tuần.
Baby Peggy cũng không có thời gian để theo học tại một ngôi trường bình thường như bạn bè đồng trang lứa.
“Sự nghiệp của tôi đã chấm hết năm lên 7” - Diana Serra Cary hồi tưởng trong bộ phim tài liệu mới của HBO, Showbiz Kids. Bộ phim được thực hiện không lâu trước khi nữ diễn viên qua đời vào tháng 2 năm nay.
Trong chùm phim tài liệu, Cary đã hồi tưởng lại thời thơ ấu gắn liền với phim trường và liên tục xuất hiện trước máy quay, làm việc như một người trưởng thành để chu cấp cho cha mẹ.
“Tôi không biết cuộc đời của một đứa trẻ bình thường sẽ như nào, bởi tôi chưa từng có bạn” - bà nói.
Bi kịch bị bóc lột sức lao động trên phim trường
Baby Peggy sinh năm 1918, tên thật là Peggy-Jean Montgomery. Bà là thành viên cuối cùng của nhóm diễn viên nhí nổi danh từ kỷ nguyên phim câm của Hollywood gồm Mickey Rooney, Jackie Coogan và Baby Marie Osbourne.
Vai diễn nổi tiếng nhất của bà trên màn ảnh là cô bé quàng khăn đỏ trong bộ phim ngắn cùng tên sản xuất năm 1922.
Diễn xuất của Baby Peggy được báo chí đương thời hết lời ca ngợi. Tuy nhiên, hậu thế vĩnh viễn không còn cơ hội được thưởng thức phần lớn các tác phẩm trong sự nghiệp của bà bởi chúng đã bị hủy hoại trong một vụ cháy vào năm 1926.
Trong sự nghiệp diễn viên nhí, Baby Peggy bị buộc phải làm việc quần quật trên phim trường mà không có người giám hộ. Tính mạng của bà cũng thường xuyên bị đe dọa trong những cảnh quay nguy hiểm.
Vào năm 1932, khi thực hiện bộ phim The Darling of New York, nhân vật của Baby Peggy đã có một cảnh thoát thân khỏi tòa nhà đang cháy. Theo Hollywood Reporter, căn phòng được dàn dựng thành vụ cháy mà Baby Peggy ở trong đã được tẩm đẫm dầu hỏa.
Trong bộ phim tài liệu Showbiz Kids, Cary cũng chia sẻ mình thường xuyên bị những người lớn xung quanh thúc ép thực hiện các cảnh quay khó vì kịch bản yêu cầu nhân vật phải làm thế: “Đó là một công việc khó khăn”, bà nói.
Người ta cứ bảo: “Ôi, con bé đúng là thiên tài”. "Tài năng duy nhất của tôi chỉ là còn đứng được trên đôi chân mình".
Phải làm việc để nuôi sống phụ huynh ăn bám
Giống như rất nhiều sao nhí cùng thời, cha mẹ của Baby Peggy không quá bận tâm tới cuộc đời con gái mình. Cha cô, Jack Montgomery, cựu diễn viên đóng thế, kiểm soát toàn bộ thù lao của con gái, ăn tiêu bạt mạng mà không để dành một đồng cho con.
Năm 1925, chính ông là người đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Baby Peggy khi tranh cãi kịch liệt với hãng phim về khoản thù lao con gái sẽ nhận. Kết quả, bản hợp đồng trị giá 1,5 triệu USD đã bị hủy bỏ, và cái tên Baby Peggy bị đưa vào danh sách đen của ngành giải trí.
Bi kịch cuộc đời Baby Peggy vẫn chưa chấm dứt ở đây. Sau khi hào quang của Baby Peggy vụt tắt, cha mẹ cô đã đẩy con gái vào gánh diễn hí kịch, tiếp tục bòn rút sức lao động của cô nhằm bám víu vào đời sống thượng lưu.
Trong cáo phó của Diana Serra Cary đăng trên New York Times, cha mẹ bà đã phung phí khối tài sản trị giá 2 triệu USD của con gái chỉ trong vài năm vào nhà đẹp, xe sang và những chuyến du lịch đắt đỏ bất chấp bóng ma của cuộc Đại Suy thoái đã đến rất gần.
Khi cả gia đình đã không còn đồng xu dính túi, cha mẹ Cary đưa bà về vùng Wyoming trong một thời gian ngắn, trước khi quay trở lại Hollywood để dùng con gái tìm kiếm vận may một lần nữa.
Chạy trốn hào quang quá khứ, tìm thấy hướng đi mới cho bản thân
Năm 1932, ở tuổi 14, bà quay lại màn ảnh rộng bằng tên gọi Peggy Montgomery, nhưng không thành công. Công chúng không còn hào hứng với phiên bản thiếu niên của bé gái họ từng yêu mến gần một thập kỷ trước.
Bản thân nữ diễn viên cũng đã trở nên lỗi thời khi khán giả không còn mặn mà với phim câm nữa và các diễn viên của thế hệ mới được đào tạo để có thể diễn xuất và hội thoại trên phim.
Trong 5 năm sau đó, dù vẫn được xuất hiện trên màn ảnh, nhưng Peggy Montgomery không bao giờ có lại thành công như trước kia.
“Ở tuổi 15, tôi đã cảm thấy mình như một bà già”, Cary trả lời trong một bài phỏng vấn thực hiện năm 1982 được dẫn lại trong Showbiz Kids. Tuy nhiên, Cary không phải người duy nhất trải qua cảm giác này. Trên thực tế, sự nghiệp khi trưởng thành của nhiều diễn viên nhí sớm rơi vào ngõ cụt vì khán giả cảm thấy thất vọng khi họ không còn giữ được diện mạo đáng yêu như trước kia.
Cuối cùng, Cary cũng được đi học ở một ngôi trường bình thường cùng những trẻ em khác. Sau khi tốt nghiệp, bà gặp người chồng đầu tiên, nam diễn viên Gordon Ayres. Họ có 10 năm hạnh phúc bên nhau trước khi ly hôn năm 1948.
Sau vụ ly hôn, Peggy Montgomery quyết định đổi tên và tránh xa Hollywood. Năm 1954, bà tái hôn với nghệ sĩ Bob Cary. Cả hai có với nhau một con trai. Trong thời gian này, bà khám phá ra niềm đam mê với viết lách.
Diana Serra Cary bắt đầu biết bài cho tạp chí, sau đó là viết sách. Cuốn sách đầu tay của bà, The Hollywood Posse (1975), được truyền cảm hứng từ quãng thời gian cha bà còn tham gia vào những bộ phim cao bồi. Cuốn sách thứ hai, Hollywood’s Children (1978), hé lộ phần đời diễn viễn nhí của bà.
Chủ đề diễn viên nhí được bà khai thác sâu hơn trong những cuốn sách ra đời sau đó như Jackie Coogan: The World’s Boy King: A Biography of Hollywood’s Legendary Child Star (2003), và cuốn tự truyện Whatever Happened to Baby Peggy? The Autobiography of Hollywood’s Pioneer Child Star (1996).
Năm 2019, ở tuổi 99, bà tự xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên The Drowning of the Moon. Cary qua đời tại Gustine, California, hưởng thọ 101 tuổi.