Từ bối cảnh quan hệ Mỹ - Đức
Có thể nói, quan hệ Mỹ - Đức những ngày qua rơi vào tình trạng khá căng thẳng. Người Đức phẫn nộ vì cái gọi là “món nợ của Đức” trị giá 375 tỷ USD mà Donald Trump đưa ra vì việc “đảm bảo an ninh” trong khuôn khổ NATO.
Trước hết, Mỹ hy vọng bước đột phá trong ngân sách quốc phòng đến từ Đức - thành viên mạnh nhất về kinh tế và tài chính của liên minh.
Trump đưa ra vấn đề này trong cuộc đàm phán với bà Merkel, và sau đó, ý tưởng này được ông nhắc lại trên Twitter của mình. Trong khi đó, bà Angela Merkel không phản đối quá gay gắt. Bà khẳng định, Đức sẵn sàng đóng góp cho ngân sách quốc phòng của NATO bằng 2% GDP theo quy định của khối vào năm 2024.
Câu chuyện về “món nợ của người Đức” trước Mỹ, được Donald Trump nêu ra đã khuấy lên một làn sóng tranh cãi mới. Cuộc tranh cãi nổ ra không chỉ giữa Berlin và Washington, mà còn trong chính phủ liên bang. Người Đức thất vọng vì những tuyên bố được cho là “khiếm nhã” của tân Tổng thống Mỹ và một tình cảm chống Mỹ được nhen lên.
Không ngờ, tuyên bố của Donald Trump lại trở thành chủ đề chính của chiến dịch tranh cử ở Đức. Nó khơi mào cho cuộc tranh luận liên bộ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Lyayen (CDU), Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel (SPD) và thủ lĩnh các chính đảng khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố bác bỏ cái gọi là “món nợ khổng lồ” của Đức với NATO. Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel khẳng định: “NATO không bao giờ đưa ra quyết định đối với chúng tôi trong 8 năm qua, rằng sẽ phải trả 2% GDP của chúng tôi cho quốc phòng”.
Và cuộc điện đàm… hàn gắn
Donald Trump đích thân gọi điện cho Angela Merkel chúc mừng chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử tại bang Saarland. Theo tin từ Washington, cùng một thời điểm, ông Donald Trump cũng gọi chúc mừng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với thắng lợi của đảng của ông trong một cuộc bầu cử. Điều này làm giới truyền thông Đức nghi ngờ rằng có sự nhầm lẫn gì đó ở Washington.
Theo các nhà phân tích, lý do cuộc gọi điện là “hơn mức bình thường”, bởi chiến thắng ở một bang trong cuộc bầu cử địa phương chưa phải là sự kiện xứng tầm với sự quan tâm của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, lời gửi gắm trong cuộc điện đàm mới là điều quan trọng.
Có thể là cuộc gọi bất ngờ chúc mừng chiến thắng Thủ tướng Angela Merkel nhằm giảm cường độ của một số tranh cãi. Đặc biệt là vào ngày 31/3, Brussels sẽ tổ chức một cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao của các nước NATO.
Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu tiên sẽ tham gia. Một trong những chủ đề quan trọng mà Mỹ đưa ra là tăng chi tiêu quân sự của liên minh đến 2% GDP của các nước thành viên.
Thực tế, Đức đang hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới. Vấn đề chính của cuộc bầu cử là quyết định về việc: Liệu bà Merkel có cơ ở lại hay sẽ phải nhường đường cho các thủ lĩnh của các liên minh khác. Trong bối cảnh ấy, thật nguy hiểm nếu cố tình thuyết phục cử tri về sự cần thiết phải tăng chi tiêu của Đức đối với NATO.
Theo các nhà phân tích, đây là cuộc điện đàm hoàn toàn mang tính hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau những phát ngôn gây sốc của Donald Trump.
Theo lời Steffen Seibert - đại diện của chính phủ Đức, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer vừa thông báo rằng con gái của Tổng thống, cô Ivanka Trump sẽ đến thăm Berlin vào cuối tháng Tư theo lời mời của bà Merkel và tham gia cuộc họp của phụ nữ nhóm G20. Vì vậy, một cử chỉ thân thiện của phía Mỹ với Đức trong thời điểm khó khăn của mối quan hệ là hết sức cần thiết.