“Cuộc đi bộ xấu hổ” của du khách trên đảo thiên đường

Hai du khách ngoại quốc, hiện chưa tiết lộ danh tính, bị phạt đeo bảng: “Tôi là kẻ trộm. Đừng hành động giống tôi” đi bộ quanh đảo Gili Trawangan – Indonesia vì ăn cắp xe đạp.

“Cuộc đi bộ xấu hổ” của du khách trên đảo thiên đường

Oji Nuria Manggala, một nhân chứng, cho BBC hay vụ việc xảy ra vào tuần trước khi cặp đôi trên bị camera an ninh phát hiện ăn cắp xe đạp và họ không thể chối cãi. Được biết, cả 2 là những du khách ngoại quốc đầu tiên trong năm 2016 phải nhận hình thức xử phạt độc đáo trên của đảo Gili Trawangan.

Theo thông tin được BBC đăng tải ngày 20-12, hình thức xử phạt trên đã được áp dụng tại đảo Gili Trawangan nhiều năm nay. Theo đó, tội phạm sẽ phải đeo bảng, đi bộ quanh đảo bên cạnh lực lượng an ninh trước sự chứng kiến của mọi người.

Cả 2 được cho là người Úc. Ảnh: BBC

Người đứng đầu văn phòng du lịch của tỉnh Tây Nusa Tenggara, Lalu Muhamad Fauzal, cho biết hình thức xử phạt tội phạm này là sự thỏa thuận giữ người địa phương và cảnh sát Indonesia.

Theo BBC, hình thức xử phạt này được thực hiện do cảnh sát không thể túc trực trên các đảo nhỏ như Gili Trawangan, Gili Meno và Gili Air. Thay vào đó, lực lượng bảo vệ của đảo sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh cùng với sự hỗ trợ của cảnh sát trên đất liền khi cần thiết.

“Vì cảnh sát không thể túc trực trên hòn đảo thiên đường nhiệt đới của chúng tôi, chúng tôi có hình thức xử phạt riêng với những tên cướp. Nếu ai đó bị phát hiện trộm cắp, họ sẽ phải đi bộ quanh đảo. Sau đó, những người này sẽ bị trục xuất khỏi đảo và bị cấm quay lại suốt nhiều năm” – Karina, người quản lý trang Facebook của đảo Gili Trawangan, cho BBC hay.

Karina khẳng định hình thức xử phạt trên là một biện pháp răn đe, đặc biệt là đối với người ngoại quốc. Cô Karina còn tiết lộ đây là hình thức xử phạt công bằng và hiệu quả. “Tôi chưa bao giờ nghe đến việc ai đó bị phạt oan” – Karina khẳng định.

Hình thức xử phạt độc đáo này góp phần giữ gìn an ninh trên đảo. Ảnh: BBC

Đồng tình với quan điểm của Karina, ông Fauzal cũng khẳng định rằng hình thức xử phạt trên khiến tỉ lệ phạm tội trên đảo thấp. Người này cũng cho biết thêm rằng hầu hết người bị phạt là người địa phương. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một số du khách ngoại quốc “say xỉn” hay “buộc phải ăn cắp” vì hết tiền cũng bị phạt.

Nhiều nhà giám sát cho rằng mặc dù không có cơ sở pháp lý rõ ràng cho hình thức xử phạt trên nhưng nhìn chung, nó giúp những người phạm tội tránh được các hình thức xử phạt khác nghiêm trọng hơn. Họ giải thích rằng hình thức làm mất mặt và cấm cửa tội phạm rõ ràng “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với việc phải xuất hiện trước quan tòa hay phạt tiền hoặc tệ hơn là tù giam.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ