Cuộc đại chiến giữa Úc và… đà điểu

GD&TĐ - Sau Thế chiến I (1914 - 1918), lính Úc giải ngũ, trở về quê hương và không bao giờ ngờ, địch thủ kế tiếp của mình lại là… đà điểu.

Súng máy Lewis, vũ khí chính trong cuộc chiến chống lại đà điểu Emu. Ảnh: Thecollector.com
Súng máy Lewis, vũ khí chính trong cuộc chiến chống lại đà điểu Emu. Ảnh: Thecollector.com

Không chỉ thế, trong cuộc chiến chống lại chúng, họ còn thua đau, thua đậm. Loài động vật bị chê “óc bé nhất trong các loài chim” nếu so tỉ lệ giữa cái đầu và cơ thể té ra lại vô cùng mưu lược.

Xung đột vì sinh kế

Loài đà điểu sống ở Úc có tên là đà điểu Emu, thuộc loài đặc hữu, cao tối đa 1,9m, nặng tầm 40 - 50kg, chạy nhanh 50 km/giờ và chủ yếu sinh trưởng ở khu vực Tây Úc. Không biết bay và trước năm 1999, chúng bị xem là “động vật gây hại”.

Mối quan hệ giữa nông dân Tây Úc với đà điểu Emu rất phức tạp. Có lúc, họ cần chúng như công cụ diệt sâu bọ, côn trùng phá hoại mùa màng nhưng cũng có lúc, họ xem chúng chính là kẻ phá hoại. Nguyên nhân rất đơn giản, vì đà điểu Emu ăn siêu tạp. Cho dù là ngũ cốc hay rau, quả, giun, dế… chúng đều xơi ngon lành.

Thế chiến I là thảm họa dân số đối với Úc. Trong khi tổng dân số của họ chỉ khoảng 5 triệu người thì chiến tranh cướp đi 61,5 nghìn người, để lại khoảng 148,5 nghìn người bị thương. Sau Thế chiến I, Chính phủ Úc không có chính sách hỗ trợ cựu chiến binh. Rất nhiều người lính đã trở về với thương tích đầy mình, tinh thần suy nhược và lập tức rơi vào tình thế khốn khổ nhất là không có công ăn việc làm.

Người dân Úc biểu tình, đòi chính phủ phải có trách nhiệm. Dưới áp lực ngày càng lớn, cuối cùng chính phủ cũng đưa ra một giải pháp “vẹn cả đôi đường” là cấp đất làm nông nghiệp cho các cựu chiến binh, vừa giải quyết được vấn đề thất nghiệp vừa gia tăng sản lượng lương thực.

Các cựu chiến binh hào hứng nhận đất và phấn khích bắt tay ngay vào công việc làm nông. Khoảng 5 nghìn người đã chuyển đến Tây Úc để định cư, cần cù trồng lúa mỳ với hy vọng tương lai được “cơm no áo ấm”. Không ngờ, lúa mỳ còn chưa kịp lớn thì đã bị đà điểu Emu “đột kích”.

Với kích thước to khỏe và sức mạnh vô địch, đà điểu Emu gần như bất chấp súng đạn. Thường thì, một con đà điểu Emu phải bị bắn trúng rất nhiều phát đạn mới chịu bỏ chạy. Thấy đồng ruộng mới đất tơi xốp và cây trồng lá non mởn, chúng thi nhau ùa vào đào bới, bứt ăn và đạp nát.

Bị đà điểu Emu tàn phá, các cựu chiến binh làm nông dân thất bại hàng loạt. Nửa cuối thập niên 1920, hạn hán còn ập đến. Khoảng 1/4 nông dân Tây Úc không thể bám trụ tiếp, phải bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống.

Cuoc dai chien giua Uc va da dieu (2).jpg
Nhờ số lượng áp đảo, tốc độ siêu nhanh và chiến thuật xé lẻ, đà điểu Emu thắng cuộc. Ảnh: Thecollector.com

Đà điểu đại thắng

Hạn hán cũng khiến động vật hoang dã trở nên hung hãn hơn. Năm 1932, “đội quân đà điểu Emu” đông khoảng 20 nghìn con ồ ạt tấn công các khu vực canh tác của Tây Úc và phá tan các rào chắn. Hay tin, Bộ Quốc phòng Úc phải vào cuộc, cử Thiếu tá Gwynydd Purves Wynne-Aubrey Meredith tiến hành “chiến dịch” chống lại đà điểu.

Đi cùng với Thiếu tá Meredith là Trung sĩ S. McMurray và Xạ thủ J. O’Halloran. Ngày 2/11/1932, “chiến tranh” chính thức nổ ra. Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Meredith, nông dân Tây Úc tràn lên, sử dụng chiến thuật biển người để dồn đàn đà điểu Emu vào một góc. Trái với dự kiến của họ, đàn đà điểu xé lẻ, mỗi con chạy một ngả. Suốt cả ngày, Thiếu tá Meredith không diệt được con nào.

Rút kinh nghiệm, ngày 4/11, Thiếu tá Meredith bố trận phục kích tại một con đập. Hai tay súng kiên nhẫn im lặng chờ và cuối cùng, một “đội” đà điểu Emu khoảng 1.000 “quân” đã tiếp cận hồ nước. Đợi chúng vào tầm ngắm, Thiếu tá Meredith ra lệnh nổ súng. Sau vài phát nổ, cây súng máy Lewis của họ… kẹt đạn.

Suốt 3 ngày tác chiến, nhóm của Thiếu tá Meredith chỉ giết được khoảng 30 con đà điểu Emu. Cảm nhận được sự nguy hiểm, đà điểu Emu cũng “lên chiến thuật”. Mỗi lần tới địa điểm nào đó, chúng lại để một con làm “lính gác”, canh chừng xung quanh và báo động.

Thiếu tá Meredith phải đưa súng máy lên xe tải để tiện truy quét, nhưng vận tốc của xe và độ gồ ghề của đường lại cản trở khả năng ngắm bắn chính xác. Ngày 8/11, vì thành tích quá bết bát, nhóm của anh bị bắt phải rút khỏi chiến trường.

Cuoc dai chien giua Uc va da dieu (3).jpg
Trước năm 1999, đà điểu Emu là địch thủ khó nhằn với quân và dân Tây Úc. Ảnh: Thecollector.com

Không còn mối hiểm họa đáng kể nào, đà điểu Emu điên cuồng “xâm lược” và đi đến đâu ăn, phá tan hoang đến đấy. Thủ tướng James Mitchell buộc phải điều Thiếu tá Meredith quay trở lại và ngày 13/11, nhóm của anh tái xuất. Họ truy sát quyết liệt hơn và cho biết, mỗi tuần diệt được khoảng 100 con đà điểu Emu.

Ngày 10/12, Thiếu tá Meredith thu quân, báo cáo đã tiêu diệt tổng cộng 986 con đà điểu Emu, làm bị thương 2.500 con và sử dụng hết 9.860 viên đạn. Nhiều người nghi ngờ, con số thương vong này là thổi phồng, bởi vì đà điểu Emu cực kỳ tinh khôn. Chúng không chỉ nhanh chóng xé lẻ mỗi khi nghe thấy tiếng đạn, mà còn chạy nhanh như gió, khiến chuyện bắn chết hàng loạt là không thể.

Suốt những năm còn lại của thập kỷ 1930 và cả thập kỷ 1940, nông dân Tây Úc liên tục yêu cầu sự hỗ trợ từ chính phủ để chống lại đà điểu Emu. Vì bị từ chối, họ phải tự trang bị súng trường để bảo vệ mùa màng. Cuộc chiến giữa người và đà điểu Emu dai dẳng đến tận năm 1999, khi loài chim không biết bay này được xếp vào diện động vật được bảo vệ.

Sau “thỏa thuận đình chiến”, nông dân Tây Úc và đà điểu Emu sống trong “hòa bình miễn cưỡng”. Thay vì súng ống, họ chuyển sang gia cố hàng rào, nỗ lực chặn đà điểu xâm nhập.

Nhờ nền kinh tế phát triển và cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, thái độ thù địch của nông dân với đà điểu mới giảm dần. Ngày nay, cuộc đại chiến với đà điểu Emu đã là dĩ vãng. Chỉ riêng trong văn hóa đại chúng, nó vẫn là chủ đề thú vị, được nhắc lại, chế meme… liên tục.

Theo Thecollector.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ