Cuộc chiến thầm lặng
Trên cả nước, các nhóm nổi dậy giành được quyền kiểm soát lãnh thổ từ chính phủ, đã áp đặt hoặc cố gắng áp đặt chương trình của mình đối với các trường học; cũng có nhiều trường hợp cố đạt một thỏa thuận với chính phủ nhưng thường thì kết cục là sự rối loạn toàn bộ hệ thống giáo dục.
“Trận chiến” áp đặt ý thức hệ có thể lấy ví dụ thực tế từ tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.
Ban đầu, khi lực lượng đối lập chiếm quyền kiểm soát khu vực này từ tay chính phủ, một số giáo viên, học giả và chính trị gia đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ gần đó đã nhanh chóng lập nên cái gọi là “Ủy ban Giáo dục quốc gia” để điều hành trường học tại những khu vực do phe đối lập kiểm soát. Theo Mohmad Saleh Ahmado, Giám đốc Khảo thí Cơ quan Quản lí GD thuộc chính phủ lâm thời của Liên minh quốc gia Syria (SNC - phe đối lập ở Syria), Ủy ban này lấp vào khoảng trống quản lí của Bộ Giáo dục tại Idlib. Ủy ban này thuê giáo viên và nhân viên địa phương soạn thảo chương trình giảng dạy mới, trong đó loại bỏ những nội dung ủng hộ Tổng thống Assad và Đảng Baath; chương trình cũng bổ sung những nội dung giáo dục như an toàn và cứu thương.
Nhưng khi các nhóm Hồi giáo cực đoan bằng sức mạnh vũ trang kiểm soát được Idlib, chúng cũng kiểm soát luôn cả trường học. Khi Jaish al-Fatah – liên minh các nhóm Hồi giáo cứng rắn gồm cả nhánh al-Nusra Front của al-Qaeda tại Syria – kiểm soát Idlib vào cuối tháng 3/2015, chúng kiểm soát toàn bộ hệ thống giáo dục tại các thành phố Idlib, Ariha và Jisr al-Shughour.
Nhóm này nhanh chóng thành lập cơ quan “Giám sát giáo dục” nhưng lại không có tiền để trang trải cho hoạt động GD tại khu vực chúng kiểm soát. Vì vậy mà Jaish al-Fatah không thể trả lương và lại chuyển quyền quản lí trường học tị nạn Idlib cho SNC. Nhóm Jaish al-Fatah cũng kí một thoả thuận với chính phủ Syria, theo đó Jaish al-Fatah tiếp tục sử dụng chương trình GD của chính phủ tại thành phố Idlib và giáo viên sẽ tiếp tục nhận lương từ Bộ Giáo dục.
Giá đắt cho nghề giáo
Tuy nhiên để nhận được lương từ Bộ Giáo dục, giáo viên có thể phải trả giá đắt khi phải đáp hành trình tới thành phố Hama do chính phủ kiểm soát. Họ phải đối mặt với sự sách nhiễu thường xuyên và có nguy cơ bị quân đội bắt giam tại các trạm kiểm soát trên đường đi.
Dù nguy hiểm thì “vẫn tốt hơn là nhìn con mình chết vì đói” – một giáo viên giấu tên chia sẻ.
Nhiều giáo viên nhận lương chính phủ tại Idlib đã bỏ việc vì lo sợ có thể bị bắt hoặc bị buộc tham gia lực lượng quân đội dự trữ khi qua các trạm kiểm soát của chính phủ.
Nếu muốn an toàn, giáo viên phải thuê dịch vụ hộ tống để đi lọt qua khoảng 50 trạm kiểm soát của chính phủ nằm trên tuyến đường từ thủ phủ tỉnh Idlib sang Hama. Khoản phí cho dịch vụ này lên tới 115 USD – gần bằng nửa lương tháng của giáo viên.
Sự ổn định chương trình cũng không diễn ra suôn sẻ. Jaish al-Fatah ban đầu loại bỏ toàn bộ nội dung triết học và lịch sử và dán nhãn chúng là môn học “vô đạo”. Sau đó, liên minh Hồi giáo buộc phải đưa lại các nội dung này vào chương trình vì Bộ Giáo dục đưa chúng vào các kì thi.
Các giáo viên cũng cho biết liên minh Hồi giáo chỉ định giáo viên không có bằng cấp dạy kinh Koran và luật Hồi giáo, sa thải giáo viên tốt nghiệp đại học vì “khác biệt” hệ tư tưởng…