Sự hạn chế cụm rạp chiếu cũng đồng nghĩa với việc hạn chế độ phủ sóng đến khán giả yêu điện ảnh. Nhiều người băn khoăn rằng, liệu có phải phim Việt đang bị “mất đất” ngay tại sân nhà?
Cuộc chiến phát hành
Đạo diễn Ngô Thanh Vân cho biết, lý do Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được chiếu tại cụm rạp lớn nhất Việt Nam do không đạt được thỏa thuận kinh doanh. Phía CGV không đồng ý với chiết khấu 50/50 như phía BHD - đơn vị sản xuất đưa ra. BHD không phải là đơn vị duy nhất bị CGV từ chối phát hành phim trên hệ thống rạp chiếu của mình. Trước đó, bộ phim bom tấn X-men do Galaxy phát hành cũng bị CGV từ chối. Lý do cũng là vì không đạt được thỏa thuận.
Nhiều người cho rằng, sự việc vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly bởi sự độc quyền bấy lâu nay của CGV. Đây là một “cuộc chiến” đã kéo dài dai dẳng từ nhiều năm nay giữa “liên minh các rạp chiếu trong nước” và CGV. Trong cuộc giằng co này, mỗi bên đều có lý của mình. Trong khi đó, phía CGV phân trần rằng, trong suốt 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CGV đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn gấp 4 - 5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường này. Và tỷ lệ 55/45 được áp dụng với tất cả các đối tác chứ không riêng gì BHD hay Galaxy.
Thực tế, CGV sở hữu đến 40% số rạp chiếu hiện có trên cả nước, nên khi không ký được hợp đồng phát hành với CGV thì bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ vắng mặt tại khoảng 40% số rạp chiếu trên cả nước. Đây là một thiệt thòi đáng kể cho nhà sản xuất, bởi họ sẽ phải tính toán làm sao thu hút được người xem để bù vào khoảng thiếu hụt này, sẽ khó có khả năng đạt được doanh số như kỳ vọng.
Trước đó, ngày 12/5, 8 đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA đã cùng viết đơn gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam phản ánh về phương thức hoạt động của CGV đã gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành ở Việt Nam và “ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung”. Đây là động thái nhằm mục đích tìm một giải pháp xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh một cách trong sạch và công bằng, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim, phát hành phim, rạp chiếu phim trong nước và nước ngoài, lớn và nhỏ.
Cần tìm tiếng nói chung
Tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” đang hiện diện giữa các đơn vị phát hành phim tại Việt Nam. Liệu phim Việt có bị “mất đất” trên thị trường điện ảnh là câu hỏi đặt ra với những người yêu điện ảnh.
Đạo diễn Phạm Thanh Phong cho rằng, phim Việt luôn có sức hút đặc biệt với khán giả Việt vì sự gần gũi, phù hợp văn hóa xã hội, người xem dễ dàng thấy được bản sắc, văn hóa của người Việt. Nhiều đạo diễn lạc quan cho rằng, phim Việt không bao giờ sợ lép vế trước phim ngoại, phim Việt vẫn như “cơm” ăn mãi không chán. Các nhà phát hành phim chưa thống nhất được tỉ lệ doanh thu với nhau thôi. Các đơn vị phát hành và chiếu phim nên bàn bạc lại để có tiếng nói chung.
Thiết nghĩ, muốn cục diện thay đổi, Nhà nước cần ban bố những luật lệ mới và ưu tiên cho phim Việt để ràng buộc những nhà phát hành. Bởi vì cuộc chiến kinh doanh mãi mãi sẽ không có đất diễn cho người tiêu dùng. Và phim ảnh cần sự quan tâm chứ không cần sự ồn ào. Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một bộ phim được làm ra cho mọi khán giả chứ không phải “mảnh đất màu mỡ” cho những thị phi.