Cuộc chiến nước sạch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên Hợp Quốc cảnh báo, nguồn nước của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức như hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trên toàn cầu, 2 tỷ người, chiếm 26% dân số, không có nguồn nước sạch và 3,6 tỷ người, chiếm 46% dân số, không được tiếp cận hệ thống vệ sinh an toàn, theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hội nghị Nước Liên Hợp Quốc 2023.

Hội nghị diễn ra từ ngày 22 - 24/3 với 5 chủ đề đối thoại gồm: Nước cho sức khỏe; Nước vì sự phát triển bền vững; Nước đối với khí hậu, phục hồi và môi trường; Nước đối với sự hợp tác và Thập kỷ hành động nước.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo đáng báo động về tình trạng nước hiện nay. Theo đó, 2 - 3 tỷ người trên thế giới thiếu nước ít nhất một tháng mỗi năm, gây rủi ro nghiêm trọng về sinh kế, an ninh lương thực và khả năng tiếp cận điện.

Dân số đô thị toàn cầu phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ 930 triệu người vào năm 2016 lên 1,7 - 2,4 tỷ người vào năm 2050. Tỷ lệ hạn hán khắc nghiệt và kéo dài cũng đang gây căng thẳng cho các hệ sinh thái, gây hậu quả nghiêm trọng cho các loài động, thực vật.

Đại dịch Covid-19 càng khoét sâu vào lỗ hổng chung của thế giới trong vấn đề khai thác, quản lý và sử dụng nguồn nước. Liên Hợp Quốc cảnh báo, nguồn nước của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức như hiện nay.

Ông Richard Connor, tác giả của báo cáo, cảnh báo tình trạng thiếu nước và nước sạch nếu không được giải quyết sẽ trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong đó, người nghèo hoặc các nước kém phát triển sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ tình trạng mất an ninh nguồn nước.

Tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được Liên Hợp Quốc đưa ra vào năm 2015, bên cạnh xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho nước sạch trên thế giới vẫn còn thấp, dự kiến không đạt được mục tiêu vào năm 2030. Nước cũng không được đề cập đến trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Thách thức lớn nhất hiện nay là nước gần như vô hình đối với đại đa số người dân, nhất là người dân sống ở các nước phát triển. Con người đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của nước và nó đã ăn sâu vào cuộc sống thường nhật đến mức con người không còn quan tâm đến nó nữa.

Bên cạnh đó, ước tính hiện nay 153 quốc gia đang chia sẻ gần 900 hệ thống sông, hồ và tầng chứa nước. Việc sử dụng và quản lý nước, theo kêu gọi của Liên Hợp Quốc, cần tăng cường sự hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng bởi chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, để bảo đảm khả năng tiếp cận nước uống an toàn cho tất cả mọi người vào năm 2030, mức đầu tư hiện nay phải tăng gấp 3 lần. Đây là một con số khổng lồ mà không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có khả năng tài trợ để hiện thực hóa cam kết.

Một số khu vực còn coi nước là “hàng hóa hoặc cơ hội kinh doanh”, đi ngược với kêu gọi quản lý nước như một lợi ích chung vì sự phát triển của toàn cầu.

Chưa kể, việc quản lý nước ở nhiều nơi trên thế giới còn thiếu sự góp mặt của người dân, những người hiểu hệ sinh thái thủy sinh địa phương và có những kiến thức, giải pháp góp phần đảm bảo tính bền vững của nước.

Những thách thức trên đặt ra yêu cầu cho thế giới phải tìm ra những mô hình quản trị mới, mô hình tài chính mới, mô hình sử dụng và tái sử dụng nước mới để quản lý và sử dụng nguồn nước trong tương lai gần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.