Cuộc chạy tiếp sức văn chương Hà Nội

GD&TĐ - Văn học nghệ thuật Thủ đô trên chặng đường 15 năm cũng có những bước đi thận trọng, chắc chắn và có hiệu quả.

Hà Nội là môi trường sống và sáng tác lý tưởng cho mỗi cây bút. Ảnh: ITN.
Hà Nội là môi trường sống và sáng tác lý tưởng cho mỗi cây bút. Ảnh: ITN.

15 năm (2008 - 2023) mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có một diện mạo mới, tầm cao mới. Văn học nghệ thuật Thủ đô trên chặng đường 15 năm cũng có những bước đi thận trọng, chắc chắn và có hiệu quả.

Riêng về lĩnh vực sáng tác văn chương, cần có một cái nhìn khách quan, khoa học và công bằng trong đánh giá trên các phương diện lực lượng, hình thức tổ chức sáng tác, cơ quan ngôn luận, ý thức quảng bá sản phẩm tinh thần, hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình...

Không gian mới

Nhà văn luôn được coi là nhân tố số một quyết định sự phát triển của văn chương. Hội Nhà văn Hà Nội có một đội ngũ hùng hậu (khoảng gần 700 hội viên), trong đó có gần 1/2 là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

So sánh với Hội Nhà văn TPHCM cho thấy, có khoảng 400 hội viên, trong đó gần 1/3 là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong một hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh (khi đương nhiệm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nêu nhận xét: “Hội Nhà văn Việt Nam thực tế là Hội Nhà văn Hà Nội và ngược lại”. Nhưng số lượng trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật chưa nói lên nội lực, sức mạnh, ưu thế Hội Nhà văn Hà Nội (cũng như Hội Nhà văn Việt Nam).

Tuổi trung bình của hội viên Hội Nhà văn địa phương và Trung ương đều quá cao. Tre cứ già mãi và đông đúc thì măng mọc làm sao được. Thực tế này rất đáng quan tâm và quan ngại. Tuy nhiên gần đây, cả hội Trung ương và Hà Nội đã có những chuyển biến đáng mừng khi kết nạp nhiều người trẻ.

Đỗ Anh Vũ (8X), một cây bút phê bình trẻ, có cá tính và thành tựu vào Hội Nhà văn Hà Nội là một ví dụ (anh cũng là một trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ tuổi hiện nay). Công bằng xem xét, cánh cửa vào hội hẹp hay rộng trước hết cũng cần “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.

Nếu Hội Nhà văn Hà Nội, cũng như Hội Nhà văn Việt Nam mở cửa rộng rãi, sẽ được tiếng cởi mở. Nhưng sáng tác nghệ thuật đòi hỏi tài năng. Rõ ràng là lớp trẻ đang ở trong tình trạng bị phân tán, bởi cuộc sống còn biết bao nhiêu điều hấp dẫn khác, không riêng gì nghề chữ. Liệu họ có dám sống chết với nghiệp văn chương.

Tất nhiên, người sáng tác vẫn thường kỳ vọng vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội có nhiều sáng kiến, chương trình đột phá để “đánh thức tiềm lực” một đội ngũ vốn hùng hậu về số lượng nhưng chưa đủ căn cứ để đón nhận những thành tựu tương xứng.

Tổ chức trại sáng tác, mở các lớp bồi dưỡng nghề văn, tăng cường các sinh hoạt chuyên môn, tạo sân chơi thông thoáng để thu hút đông đảo các hội viên tham gia đang là động hướng tích cực của một Ban Chấp hành mới, gọn nhẹ và năng động.

Lực lượng hùng hậu

Đỗ Anh Vũ - một cây bút phê bình trẻ, có cá tính và thành tựu.

Đỗ Anh Vũ - một cây bút phê bình trẻ, có cá tính và thành tựu.

Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội có thể đăng sáng tác của mình trên báo (nay là tạp chí) Người Hà Nội (Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, từ 1 tháng 4 kỳ nay 1 tháng 1 kỳ).

Ngoài ra, Đài PT-TH Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội cũng là những địa chỉ văn chương uy tín và gần gũi với người viết văn Thủ đô.

Chưa kể người có tài thì “mở mang bờ cõi” đến các báo chí khác như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Nhà văn & Cuộc sống, Thời báo Văn học nghệ thuật, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Văn học & Tuổi trẻ... chưa tính đến tạp chí văn học nghệ thuật của 62 tỉnh, thành phố còn lại của cả nước.

Nghĩa là, nếu anh có trí, có lực, có tài thì chẳng sợ thiếu “chân trời” như nhà thơ Trần Dần từng cảm thán. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, người viết văn nếu có đủ tài chính thì tự in sách, ra sách, PR cho sản phẩm của mình. Nhà văn Di Li từng tự in sách “Tôi PR cho PR”.

Tại sao không?! Nếu ai đó than vãn rằng viết ra nhưng chẳng biết đăng ở đâu thì cần phải xem lại chính mình trước tiên. Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 800 đơn vị báo chí, đó là một sân chơi rộng rãi cho người viết văn. Chỉ sợ người viết văn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Nói đến thành tựu văn chương, lâu này chúng ta hay nhắc nhở đến quá khứ “vang bóng một thời”. Chẳng hạn, chúng ta nhắc đến tinh hoa thơ Việt, thơ Hà Nội thời hiện đại (chỉ tính từ sau 1945 đến nay) đã thấy trùng điệp những tên tuổi Văn Cao, Hoàng Cầm, Dương Tường, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Đình Thi, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Vân Long, Hoàng Hưng, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Quang Vũ, Chử Văn Long, Trúc Thông, Hoàng Cát;

Mã Giang Lân, Chu Hoạch, Lê Huy Quang, Vương Tâm, Nguyễn Trọng Tạo, Y Phương, Hoàng Trần Cương, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm, Vĩnh Quang Lê, Đỗ Minh Tuấn, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Sỹ Đại, Tuyết Nga, Trần Kim Hoa, Trần Quang Quý, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Đăng Khoa, Đinh Nam Khương, Nguyễn Linh Khiếu... Lớp trẻ (7X...) tài hoa nhưng còn “thưa”.

Đào Quốc Minh (sinh 1986) đã xuất bản 6 tập thơ.

Đào Quốc Minh (sinh 1986) đã xuất bản 6 tập thơ.

Hiện nay, số người làm thơ gia tăng đột biến, mỗi năm cả trăm tập thơ được in ra. Nhưng là thơ phong trào, thơ quần chúng, thơ câu lạc bộ, đúng là “nhà nhà làm thơ người người làm thơ”. Rõ ràng thơ hiện đại nói chung, thơ Hà Nội nói riêng còn lúng túng tìm đường.

Cũng có những phát hiện về thơ trẻ như trường hợp nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “tìm ra” Đào Quốc Minh (sinh 1986) đã xuất bản 6 tập thơ. Nhưng vẫn cứ phải chờ đợi xem sao, nói như một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng “Hãy đợi đấy!”.

Trong các lĩnh vực văn chương, văn xuôi vẫn nổi trội nhất, có thành tựu nhất. Có một Nguyễn Xuân Khánh trường kỳ mai phục, vượt qua biết bao nhiêu thăng trầm đời sống để càng viết càng chín từ “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” đến “Chuyện ngõ nghèo” (nguyên bản “Trư cuồng”).

Ma Văn Kháng tưởng đã “rửa tay gác kiếm” vẫn cứ đều đều xuất hiện, chủ nhân của hơn 200 truyện ngắn và nhiều tiểu thuyết đáng đọc. Nguyễn Bắc Sơn thuộc số cây bút ăn khách hiện nay với những tiểu thuyết giàu tinh thần đối thoại chính trị có tiếng vang như “Luật đời và cha con”, “Lửa đắng”, “Gã Tép Riu”, “Vỡ vụn”, “Cuộc vuông tròn”...

Kể ra một vài tên tuổi thuộc đội hình U90 và U80 để thấy lực lượng tác văn xuôi Thủ đô thực sự hùng mạnh khi có sự góp mặt sát cánh của Trần Huy Quang, Phạm Ngọc Chiểu, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Hiếu, Trần Dũng, Nguyễn Văn Thọ, Vũ Ngọc Tiến, Sương Nguyệt Minh, Hà Nguyên Huyến, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Hồ Anh Thái, Đoàn Tuấn, Phùng Văn Khai, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Duy Nghĩa...

Theo tôi, văn xuôi Hà Nội còn có cái đặc sắc, đặc trưng riêng là mạnh về phái nữ với tên tuổi của Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Vân Anh, Lê Minh Khuê, Lê Phương Liên, Nguyễn Thị Anh Thư, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Thùy Linh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Hồng Nguyên, Như Bình, Nguyễn Phương Liên, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Di Li... những cây bút đã góp phần tạo nên một “nền văn chương mang gương mặt nữ” (với phẩm chất của sự bao dung, đằm thắm, tinh tế).

Lý luận, phê bình văn học Hà Nội vững vàng với những cây bút nhiều trải nghiệm như Phong Lê, Đặng Hiển, Trần Đình Sử, Ngô Thảo, Hồng Diệu, Lại Nguyên Ân, Lê Thành Nghị, Vũ Tuấn Anh, Vũ Nho, Nguyễn Văn Lưu, Trần Bảo Hưng, Phan Trọng Thưởng, Tôn Phương Lan, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyên An, Bích Thu, Ngô Vĩnh Bình, Lý Hoài Thu, Trần Đăng Suyền, Trần Mạnh Tiến, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Lưu Khánh Thơ, Văn Giá, Chu Văn Sơn, Trần Thị Trâm, Lê Thị Bích Hồng...

Nếu có thể nói ngắn gọn về đội ngũ này thì họ được đào tạo bài bản (đa số làm việc ở các trường đại học và viện nghiên cứu), họ đã nỗ lực “sống với văn chương cùng thời”.

Nhiều công trình xuất bản thời gian qua của họ đã được đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - một địa chỉ văn hóa, văn học nghệ thuật đang có tiềm năng quy tụ, đoàn kết phát huy nội lực của giới làm công tác nghệ thuật không chỉ riêng Thủ đô.

Chúng ta thường nói về “tác phẩm đỉnh cao” (như một “từ khóa”) như là một yêu cầu chính đáng đặt ra cho người sáng tác, nghiên cứu. Nhưng nếu tôi không nhầm thì sinh thời các “cụ” như Nguyễn Tuân hay Tô Hoài ít khi, chính xác hơn là không nói về “đỉnh cao” hay đạt trình độ “thế giới” của sự viết văn. Với những nhà văn tài năng này thì sứ mệnh của họ là viết hay (nhân dân sẽ tước cái quyền viết dở của nhà văn).

Cần cái căn cơ

Nữ nhà văn Di Li.

Nữ nhà văn Di Li.

Cảm hứng tương lai, theo chúng tôi, mới thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào. Ôn cố là nhằm tri tân. Châm ngôn phương Tây có câu “Hãy cho người ấy cái cần câu hơn là cho con cá”.

Quả thực như thế. Giả sử mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ, Hội Nhà văn Hà Nội được thành phố cấp một khoản ngân sách nào đó, rồi đem chia đều ra theo cách gọi là “đầu tư sáng tác”. Cũng tốt thôi khi người viết văn có thêm ít nhiều điều kiện tài chính để xoa dịu cái cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Nhưng người nghệ sĩ ngôn từ lại cần cái căn cơ hơn: Bầu không khí nghề nghiệp hữu ích, tinh thần tự do tìm tòi sáng tạo, sự chia sẻ kịp thời những khó khăn trong lao động viết văn, tinh thần bảo vệ chân lý của đồng nghiệp, điều kiện in ấn và quảng bá tác phẩm...

Rõ ràng, văn nghệ sĩ đang thực sự thiếu sân chơi (cũng giống như trẻ em của ta thiếu sân chơi ngoài trời lành mạnh đành chui vào quán net, cắm mặt vào điện thoại thông minh, máy tính bảng nên sinh ra cận thị sớm, béo phì sớm...).

Văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng và văn nghệ sĩ cả nước nói chung vẫn còn nhiều băn khoăn, nỗi niềm. Nghĩa là, họ vẫn chưa hình dung được con đường thiên lý gập ghềnh sắp tới mình sẽ đi như thế nào. Cơ quan chức năng cần tạo hành lang pháp lý, đại lộ tinh thần, chính sách văn hóa hợp lý để nhà văn Hà Nội hoàn thành cuộc chạy tiếp sức cán đích ngoạn mục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ