Hằng năm cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch), nhiều gia đình Việt lại tổ chức Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa), còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ của Việt Nam được bắt nguồn theo truyền thuyết: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan Ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Khung giờ vàng cúng Tết Đoan Ngọ
Năm 2024 ngày 5/5 âm lịch nhằm vào thứ 2 ngày 10/6 (dương lịch, tức ngày Ất Tỵ, tháng Canh Ngọ, năm Giáp Thìn).
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, có các khung giờ đẹp để tiến hành nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ sau:
Giờ đẹp nhất là: Giờ Nhâm Ngọ từ 11h đến 13h.
Nếu không có điều kiện cúng vào khung giờ đẹp nhất, các bạn có thể chọn những khung giờ sau: giờ Canh Thìn từ 7h đến 9h, giờ Quý Mùi từ 13h đến 15h, giờ Bính Tuất từ 19h đến 21h.
Vào mùng 5/5, dân gian thường sử dụng hương thắp theo số lẻ. Do đó, mọi người có thể thắp 1, 3 nén tùy thuộc vào không gian thờ cúng.
*Thông tin có tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!