Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm với tổng vốn đầu tư hơn 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50%.
Theo thỏa thuận, chủ đầu tư dự án là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng là đơn vị đại diện phía Đà Nẵng phối hợp điều hành thực hiện.
Địa điểm xây dựng dự án thuộc đỉnh đèo Hải Vân, giữa thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Đồng thời tu bổ Hải Vân quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây…
Dự án cũng sẽ phục hồi nhiều hạng mục di tích như tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học, dấu vết trên tường hông Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Phục hồi các chòi quan sát, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu.
Có thể nói, việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích Hải Vân quan là sự kiện được quan tâm nhất trong lĩnh vực bảo tồn di sản trong năm 2021. Không chỉ có vậy, tính chất liên ngành và phối hợp cùng nhau giữa hai địa phương còn tạo ra một tiền lệ đẹp để di tích phát huy giá trị.
Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826 có kiến trúc quân sự độc đáo, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, quân sự, kiến trúc và cảnh quan trong hệ thống di tích còn lại của triều Nguyễn. Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2017.
Dù được xếp hạng khá muộn, nhưng từ lâu khách tham quan quốc tế rất thích thú khi đến Hải Vân quan. Từ kiến trúc, kỹ thuật xây dựng cho đến sự phối hợp kỳ thú với cảnh quan xung quanh khiến cho Hải Vân quan được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tính lịch sử và các giá trị lâu đời cũng tích tụ nơi di tích mang ý nghĩa pháo đài quân sự - hiện diện và đại diện cho tính chiến lược của nhà Nguyễn.
Trước khi cùng nhau tôn tạo, Huế và Đà Nẵng đã cùng ngồi lại để tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về việc phối hợp trong công tác bảo tồn, khôi phục di sản. Các chuyên gia bắt đầu từ việc sưu tập dữ liệu nghiên cứu khoa học, khảo cổ, hội thảo, lập dự án, thiết kế triển khai thi công giám sát.
Khoảng 2 năm nữa, tổng thể về Hải Vân quan sẽ hiện hữu như mấy trăm năm trước. Và chắc chắn khách du lịch sẽ tấp nập đến khám phá một Thiên hạ đệ nhất hùng quan từng nức tiếng trong sử Việt.
Nhưng quan trọng không phải phát triển du lịch thu về bao nhiêu tiền, mà là gìn giữ di tích, lan tỏa tính giáo dục và các giá trị lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.