Cùng con làm những món đồ truyền thống ngày Tết

GD&TĐ - Tùy thuộc vào kỹ năng vận động của con, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tham gia vào những công việc trong dịp Tết Nguyên đán. Nhờ những hoạt động ngày Tết, trẻ sẽ hào hứng và hiểu rõ ý nghĩa hơn dịp đặc biệt này.

Cùng con làm những món đồ truyền thống ngày Tết

Nếu phụ huynh đang suy nghĩ về việc chuẩn bị các hoạt động ngày Tết cho con, hãy xem xét độ tuổi của trẻ và cân nhắc đưa ra những lựa chọn:

1. Phong bao lì xì

Đối với các quốc gia châu Á, vào dịp Tết Nguyên đán, lì xì được coi là thứ không thể thiếu. Vì vậy, thay vì mua phong bao lì xì, cha mẹ hoàn toàn có thể cùng con tự tay làm món đồ này.

Trước tiên, cha mẹ hãy vẽ theo chiếc phong bì trên giấy màu đỏ và cắt. Hoặc, có thể vẽ lại theo kích thước của một chiếc phong bao. Tiếp đến, cần dùng dao rọc giấy cắt 1 đường thẳng trên phần lưng của bao lì xì làm khóa giấy.

Các phụ huynh hãy tiếp tục sử dụng dao rọc giấy, mài nhẹ góc gấp cạnh. Nhờ đó, giúp chiếc phong bao trở nên gọn gàng và đẹp. Tiếp theo, dùng băng dính 2 mặt dán lên 2 mép gấp của phong bao lì xì. Sau đó gấp lại và dán phần túi cho phong bao.

Sau đó, phụ huynh có thể cùng con cắt hình bông hoa nhỏ để dán vào mặt trước phong bao lì xì. Chỉ với những bước đơn giản này, cha mẹ và con hoàn toàn có thể làm nhiều phong bao với màu sắc và kiểu dáng khác nhau.

Chắc chắn, con sẽ không chỉ cảm thấy thú vị, mà còn hạnh phúc khi được tự tay làm nên những chiếc phong bao lì xì để tặng ông bà, người thân.

2. Quạt giấy

Quạt giấy không chỉ làm mát, mà còn là vật trang trí ấn tượng và đẹp mắt, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Với màu sắc bắt mắt, đường cong tuyệt mỹ của vòng cung, chiếc quạt giấy tưởng như bình dị đó lại mang tới vẻ đẹp tinh tế.

Bởi vậy, cha mẹ có thể dễ dàng hướng dẫn con tự tay làm quạt giấy để trang trí nhà vào ngày Tết. Trước hết, hãy chuẩn bị một tờ giấy đỏ. Sau đó, dùng kéo tỉa dọc theo cạnh trên và dưới tờ giấy đó.

Cắt hai dải ruy băng vàng và dán vào cả hoặc phần cuối của tờ giấy đỏ. Bắt đầu từ cuối một cạnh, lần lượt gấp tờ giấy lên xuống. Sau đó, hãy giữ nếp gấp, gấp đôi quạt. Dán phần chính giữa với nhau.

Ở đáy phần xếp nếp, dùng kéo cắt một lỗ nhỏ để xâu dây. Mở phần gấp ra, luồn ruy băng qua lỗ. Xếp nếp lại, thắt nơ nhỏ hay dùng ruy băng để treo. Như vậy, cha mẹ và con đã hoàn thành sản phẩm quạt giấy.

Phụ huynh có thể để con chọn vị trí thích hợp và treo quạt giấy. Con có thể treo quạt xen kẽ với những chiếc đèn lồng màu đỏ sặc sỡ trước cửa nhà, hay đơn giản là đặt trên bàn trang trí cùng với bình hoa. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gắn chiếc quạt do mình tự làm lên tường nhà, giữa những câu đối đỏ nổi bật.

3. Đèn lồng

Đèn lồng cũng được coi là một món đồ đặc trưng trong dịp Tết Nguyên đán tại các quốc gia châu Á. Cha mẹ có thể hướng dẫn bé tự làm bằng cách gấp đôi tờ giấy theo chiều dọc. Lấy bút chì và thước kẻ, kẻ một đường theo chiều ngang của tờ giấy, đấy là đường “không cắt”, đánh dấu nơi ngừng cắt của tờ giấy.

Tiếp tục dùng bút chì và thước kẻ, kẻ các đường thẳng cách nhau khoảng 1,5 - 2,5cm. Cắt giấy dọc theo đường vừa kẻ, chỉ đến sát mép đường không cắt thì ngừng lại.

 Tiếp theo, hãy hướng dẫn trẻ mở tờ giấy, lật ngược lại. Lúc này, đường kẻ bút chì sẽ là mặt trong, con có thể dán hình hoặc vật trang trí xung quanh mặt ngoài tờ giấy. Cuộn tờ giấy lại dán hai đầu với nhau bằng băng keo hoặc băng dính. Dán tay cầm bằng keo hoặc băng dính. Như vậy, phụ huynh và trẻ đã hoàn thành xong cách làm lồng đèn ngày Tết. Mặc dù có thể dễ dàng mua, nhưng chắc chắn, việc trẻ tự tay làm đèn lồng sẽ khiến con cảm thấy hào hứng và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

4. Lịch bằng dấu tay

Hãy đơn giản hóa cách làm và khiến tất cả tùy thuộc vào trí tưởng tượng của con.

Hãy để trẻ đặt tay lên giấy trắng và dùng màu tô lại. Mỗi tháng trong năm sẽ tương ứng với một màu khác của bàn tay. Thậm chí, nếu muốn trẻ thỏa sức sáng tạo, cha mẹ có thể để con in hình dấu tay, vân tay hoặc thậm chí là dấu chân!

Tuy nhiên, hãy lưu ý, trẻ cần rửa và lau khô tay sau mỗi lần in. Sau đó, tiếp tục in màu khác để biểu tượng cho tháng tiếp theo trong năm. Sau mỗi bàn tay tương ứng một tháng, trẻ hoàn toàn có thể thêm các chi tiết để bức tranh trở nên thú vị hơn.

Sau khi đã có đủ 12 tháng, đã đến lúc kết hợp lịch của trẻ. Cách đơn giản nhất là cha mẹ có thể đặt mua một cuốn lịch trống làm sẵn. Với mức giá hợp lý, phụ huynh sẽ không phải “rối” trong việc đóng gáy, ghim hoặc lắp ghép lịch. Thay vào đó, trẻ chỉ cần dán keo hoặc sử dụng băng dính hai mặt để gắn các bức tranh vẽ tay hằng tháng vào mẫu trống.

5. Làm việc nhà

Thông thường, vào những ngày giáp Tết, các gia đình châu Á thường dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa, mua đồ đạc, sơn lại tường, trang trí nhà… Do đó, cha mẹ có thể dạy con thói quen tốt bằng cách cùng trẻ làm việc nhà. Con có thể làm những công việc nhẹ nhàng như lau bàn, ghế, quét nhà...

Ví dụ, cha mẹ có thể “mời gọi” trẻ cùng sơn tường với mình bằng một sự chuẩn bị thú vị với thùng sơn màu sắc, chổi quét sơn nhỏ xinh và chiếc áo rộng thùng thình để làm “áo bao”. Hãy hướng dẫn trẻ cách sơn tường từng chút một và để con tự làm ngay sau đó. Cha mẹ có thể quan sát và hỗ trợ con, cùng trẻ sơn từng mảng tường nhà.

Thông qua những việc nhỏ này, trẻ có thể học cách giữ vệ sinh nhà cửa. Có thể những công việc nhà ngày Tết sẽ khiến con cảm thấy hơi mệt, nhưng cha mẹ hãy động viên, khích lệ trẻ. Nhờ đó, giúp con cảm thấy hào hứng và thoải mái hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ