Củng cố niềm tin của xã hội vào kết quả thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Ông Lý Đại Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - cho rằng: Những thay đổi dự kiến trong việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp THTP quốc gia năm 2017 sẽ cũng cố niềm tin của xã hội, của các trường ĐH, CĐ đối với kết quả thi THPT quốc gia vì đã khắc phục được hạn chế của kỳ thi này sau 2 năm tổ chức.

Củng cố niềm tin của xã hội vào kết quả thi THPT quốc gia

Thuận lợi hơn cho địa phương, học sinh

Phương án thi, xét tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 cơ bản vẫn như năm 2016, nhưng có một số thay đổi nhằm khắc phục một số hạn chế như thời gian kéo dài không cần thiết; còn tốn kém do có sự điều động của nhân sự khối ĐH, CĐ; vẫn còn cơ hội cho học tủ, học lệch, tiêu cực trong coi thi ...; xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính khách quan, công bằng của kết quả chấm thi; nhiều môn thi kết quả chấm còn phụ thuộc chủ quan người chấm; tỉ lệ thí sinh ảo trong tuyển sinh ĐH, CĐ cao ...

Ông Lý Đại Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - cho rằng: Những thay đổi như trên, với kinh nghiệm đã có, khâu quản lý, tổ chức cụm thi không có gì khó khăn vì cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2015, 2016.

Bên cạnh đó, tổ chức 1 cụm thi chung tại địa phương, học sinh không phải đi nơi khác dự thi, các cơ sở giáo dục và gia đình học sinh sẽ giảm tốn kém phần tổ chức đưa đón học sinh đi thi, học sinh không bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý trong thời gian thi.

Thời gian thi thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho học sinh. Cụ thể: Thi trong tháng 6 sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi ngày thi sau khi đã kết thúc chương trình ôn thi. Thời gian thi 2 ngày với lịch thi như dự kiến sẽ rút ngắn thời gian làm việc làm việc của các điểm thi, không còn tình trạng buổi thi chỉ có vài thí sinh dự thi hoặc không có thí sinh thi, giảm chi phí cho công tác coi thi.

Theo Dự thảo, học sinh thi tốt nghiệp THPT hệ giáo dục phổ thông thi 4 bài (3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; tự chọn chọn 1 trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp câu hỏi của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Bài thi Khoa học xã hội gồm tổ hợp câu hỏi của các môn thi Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Đồng tình với thay đổi này, ông Lý Đại Hồng nhận định học sinh không còn học tập trung một số ít môn phục vụ cho tốt nghiệp hoặc tuyển ĐH, CĐ mà phải học đều các môn học, kể cả môn lịch sử. Thái độ học tập này được xác định thái độ học tập ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, việc giảm số bài thi từ 4 xuống còn 3 bài với học viên hệ giáo dục thường xuyên cũng là phù hợp với đối tượng này.

Riêng với phương án xét tuyển, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Long, các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh và được áp dụng nhiều phương thức xét tuyển phù hợp sẽ thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Học sinh có nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ hơn do đa dạng về phương thức xét tuyển các các trường ĐH, CĐ; đồng thời sẽ chọn trường có phương thức tuyển sinh phù hợp với khả năng, thế mạnh của mình nhất để đăng ký xét tuyển.

Kết quả thi sẽ tăng tính công bằng, khách quan

Trước một số ý kiến cho rằng, việc giao kỳ thi cho địa phương tổ chức, các trường ĐH, CĐ sẽ không yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển, ông Lý Đại Hồng cho biết: Chính việc thay đổi hình thức các môn thi trong Dự thảo sẽ giải quyết được băn khoăn này.

“Cá nhân tôi tán thành với thay đổi này của Bộ GD&ĐT. Tỉnh Vĩnh Long nhiều năm nay, kể cả những năm bắt đầu thực hiện "Hai không" trước khi có kỳ thi thi chung THPT quốc gia, kết quả tốt nghiệp của tỉnh vẫn ổn định, không có biến động lớn. Điều nầy chứng tỏ công tác quản lý thi THPT luôn thực hiện đúng Quy chế thi THPT, dù Quy chế này có thay đổi” - ông Lý Đại Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho các địa phương, nhà trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đề nghị Bộ GD&ĐT nên công bố sớm các nội dung thay đổi để địa phương có đủ thời gian triển khai.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã dự kiến một số phương án chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới của Bộ. Đó là: Thông tin kịp thời nội dung dự thảo để các cơ sở giáo dục biết, triển khai cho giáo viên, học sinh chuẩn bị tâm thế, không bỡ ngỡ khi Bộ GD&ĐT thông báo chính thức;

Bồi dưỡng năng lực chỉ đạo cho chuyên viên các môn thay đổi hình thức thi từ tự luận sáng trắc nghiệm;

Thay đổi trong công tác kiểm tra, đánh giá các môn học liên quan đến các bài thi theo hướng tiếp cận dần với hình thức thi THPT quốc gia;

Bồi dưỡng kỹ năng dạy và ra đề kiểm tra cho giáo viên, đặc biệt với các môn trước đây thi theo hình thức tự luận như Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân;

Tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên môn cho giáo viên các bộ môn phục vụ cho việc ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường bổ sung cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc ra đề, chấm các môn trắc nghiệm trong bối cảnh tăng số môn trắc nghiệm” - ông Lý Đại Hồng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ