Củng cố kiến thức đi đôi với đánh giá năng lực học sinh

GD&TĐ - Trường học tại Thái Nguyên đã và đang tích cực triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện giúp học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Củng cố kiến thức đi đôi với đánh giá năng lực học sinh.
Củng cố kiến thức đi đôi với đánh giá năng lực học sinh.

Tăng cường củng cố kiến thức

Cùng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT sửa đổi, các trường THPT tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung rà soát, đánh giá chất lượng dạy và học, từ đó có những giải pháp ôn tập kỹ lưỡng cho học sinh trước kỳ thi quan trọng này.

Năm nay Trường THPT Phú Lương có 13 lớp với trên 550 học sinh lớp 12. Trong đó ban Khoa học xã hội có 442 học sinh, còn lại là ban Khoa học tự nhiên. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, ngay từ đầu năm học, bên cạnh việc song song vừa dạy học chính khóa cho học sinh, trường cũng vừa củng cố ôn tập cho các em vào các thời điểm phù hợp. Trong đầu tháng 3 vừa qua, ngay sau khi tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực của học sinh, trường cũng đã từng bước rà soát, phân loại chất lượng để triển khai ôn tập cho các em phù hợp với trình độ.

Em Ma Thanh Hằng, học sinh Lớp 12A5, THPT Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm này em đã ôn được khoảng 80% kiến thức và em đã chuẩn bị được một lượng kiến thức đủ để chuẩn bị cho lần thi thử sắp tới và phân bố thời gian học làm sao cho hợp lý để em có thể ôn các môn thi đại học cùng với các môn thi tốt nghiệp. Trước khi bước vào lớp 12 thì em cũng đã tìm hiểu rất nhiều ngành nghề và chọn ra cho mình nghề mà mình yêu thích. Em chuẩn bị ôn tập và đã đọc sách trước ở nhà, đi học ở các lớp học thêm để chuẩn bị kiến thức vững chắc khi bước vào kỳ thi không bị bỡ ngỡ.

Theo phương án của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ vẫn giữ ổn định như mọi năm, đây là thuận lợi lớn cho học sinh, giúp các em có thể yên tâm học tập và ôn luyện. Dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra cuối tháng 6 với một số thay đổi nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi và quyền lợi của thí sinh.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02, ngày 06/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, nhiều trường THPT nhanh chóng phổ biến đến cán bộ, giáo viên, học sinh; đồng thời tích cực triển khai dạy học theo chương trình. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, sau kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1, Sở sẽ tiếp tục tổ chức lần thi thử tiếp theo, từ đó có những rà soát, đánh giá năng lực học sinh đúng thực chất, để các trường chủ động, linh hoạt trong và có kế hoạch bổ trợ kiến thức phù hợp cho các em.

Học sinh lớp 12 trường THPT Gang Thép trong giờ môn Sinh học.

Học sinh lớp 12 trường THPT Gang Thép trong giờ môn Sinh học.

Tăng cường đánh giá năng lực phân loại học sinh

Em Trần Vân Khanh, học sinh lớp 12A8, trường THPT Gang Thép, TP Thái Nguyên cho biết: Em đã chuẩn bị công tác ôn tập ngay từ khi bắt đầu học lớp 12, đặt ra mục tiêu, định hướng nghề nghiệp, bổ sung học nhóm, học phụ đạo, Trong đó, dành nhiều thời gian ôn tập các môn như Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Lịch Sử, Địa Lý, và GDCD. Ngoài ra, em cũng tham gia thi thử để biết được khả năng của mình.

Cô Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép, Thái Nguyên chia sẻ: Năm học 2023 – 2024 nhà trường có tổng số 1446 học sinh, riêng học sinh lớp 12 có 455 học sinh, ngay từ khi bước vào lớp 10 nhà trường đã định hướng và cho học sinh đăng ký tổ hợp KHTN và KHXH. Trong giai đoạn này, ngoài việc học chính khoá, nhà trường tổ chức các lớp ôn tập vào buổi chiều theo nguyện vọng đăng ký của các em. Đồng thời, phân công đội ngũ giáo viên chất lượng và sắp xếp lịch một cách khoa học để các em có thể ôn tập một cách tốt nhất.

Song song với đó, để góp phần nâng cao chất lượng học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các kỳ thi thử. Theo cô Quyên, việc thi thử sẽ giúp học sinh nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu để tiếp tục dành thời gian bù đắp kiến thức, tích cực ôn tập. Bên cạnh đó, thông qua kỳ thi thử nhà trường sẽ rà soát và đánh giá mặt bằng chung, phân loại học sinh, để có thể bổ trợ thêm đối với học sinh có lực học chưa tốt.

Như vậy, kỳ thi năm nay mặc dù cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi nhưng cũng sẽ có một vài điều chỉnh để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để kỳ thi thành công và đạt kết quả cao thì vẫn xuất phát từ kiến thức và khả năng làm bài của các thí sinh. Vì vậy, các trường cần rà soát, đánh giá năng lực học sinh, đồng thời tập trung cao độ cho việc tổ chức ôn tập cho các em. Bên cạnh đó, các học sinh cũng cần chủ động xây dựng đề cương ôn thi phù hợp, để việc ôn thi đạt kết quả tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ