Cục Kiểm tra văn bản nói về vụ công văn Bộ Xây dựng bị tố trái luật

Chung cư Hapulico, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico đầu tư.
Chung cư Hapulico, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico đầu tư.
Thưa ông, đối với các văn bản hành chính của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, khi ban hành có phải xin ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật hay không và sau khi ban hành, Cục có thẩm quyền kiểm tra các văn bản này hay không, áp dụng đối với trường hợp cụ thể là Công văn số 26/BXD-QLN gửi Công ty Hapulico?

Việc ban hành văn bản hành chính được thực hiện theo thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan Nhà nước nói chung, Bộ Xây dựng nói riêng. Trước khi ban hành văn bản hành chính, cơ quan ban hành văn bản không bắt buộc phải xin ý kiến của cơ quan nhà nước khác cũng như ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Theo quy định hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản QPPL không có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý (tiền kiểm) đối với việc ban hành văn bản (văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật) của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. Mặt khác, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận (hậu kiểm) về tính hợp pháp của các văn bản hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương sau khi ban hành (trừ trường hợp nội dung của văn bản hành chính đặt ra quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Công văn số 26/BXD-QLN là văn bản hành chính của Bộ Xây dựng gửi Công ty cổ phần bất động sản Hapulico để hướng dẫn thực hiện pháp luật trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Nội dung Công văn số 26/BXD-QLN không chứa đựng quy phạm pháp luật (Theo Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện).
Thực tế, Cục Kiểm tra văn bản QPPL không nhận được văn bản đề nghị của Bộ Xây dựng về việc góp ý và Cục cũng không có văn bản góp ý đối với dự thảo Công văn số 26/BXD-QLN của Bộ Xây dựng. Mặt khác, như đã nói trên, Cục Kiểm tra văn bản QPPL không có thẩm quyền kiểm tra, kết luận (hậu kiểm) về tính hợp pháp của văn bản hành chính (không chứa quy phạm pháp luật) nói chung và Công văn số 26/BXD-QLN của Bộ Xây dựng nói riêng. 
Cục Kiểm tra văn bản nói về vụ công văn Bộ Xây dựng bị tố trái luật - ảnh 1Ông Đông Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp).
Trong văn bản gửi cư dân chung cư Hapulico, Cục Kiểm tra văn bản QPPL có viện dẫn các quy định của pháp luật để hướng dẫn người dân thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã viện dẫn văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để cho rằng, Công văn số 26 của Bộ Xây dựng là trái pháp luật. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Cục Kiểm tra văn bản QPPL nhận được đơn của Ông Bùi Minh Đức - căn hộ số 605 tòa nhà 17T3, Khu chung cư HAPULICO, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đề nghị kiểm tra sự phù hợp theo pháp luật đối với Công văn số 26 ngày 08/02/2017 của Bộ Xây dựng. Vì Công văn số 26 của Bộ Xây dựng là văn bản hành chính, không có chứa quy phạm pháp luật như đã nêu trên, nên Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trả lời Ông Bùi Minh Đức tại Công văn số 590/KTrVB ngày 19/10/2017, trong đó đã nêu Công văn số 26 của Bộ Xây không thuộc thẩm quyền kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản QPPL.

Về nội dung trả lời liên quan đến việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu, bãi miễn thành viên Ban quản trị nhà chung cư, ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản QPPL (trên cơ sở trích dẫn một số quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Nhà ở và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD) tại Công văn số 590/KTrVB-KT đã nêu rõ là để công dân tham khảo.

Tôi mong muốn được người dân, doanh nghiệp chia sẻ một điều là, thời gian qua, khi được người dân, doanh nghiệp tin cậy, đề nghị giải đáp pháp luật trong các lĩnh vực, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã luôn cố gắng thực hiện; cá nhân tôi là Cục trưởng luôn coi trọng và chỉ đạo sát sao việc trả lời đơn của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục đã được giao theo quy định của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đối với đề nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến những văn bản không thuộc thẩm quyền kiểm tra, kết luận của Cục thì Cục chỉ có thể trả lời người dân, doanh nghiệp để tham khảo, trong đó Công văn số 590/KTrVB-KT của Cục trả lời ông Bùi Minh Đức là một ví dụ.

Cần phải nói rõ là, về giá trị pháp lý, Công văn số 590/KTrVB-KT của Cục Kiểm tra văn bản QPPL không có giá trị là căn cứ để kết luận Công văn số 26/BXD-QLN của Bộ Xây dựng có hợp pháp hay không, cũng như không có giá trị là căn cứ để kết luận việc tổ chức hội nghị nhà chung cư cụ thể nào đó là đúng hay không đúng pháp luật.

Trong trường hợp có vướng mắc về pháp luật liên quan đến nhà ở, trong đó có vấn đề tổ chức hội nghị nhà chung cư thì người dân, doanh nghiệp nên gửi ý kiến của mình đến cơ quan nào, thưa ông?
Lĩnh vực nhà ở thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao. Bộ Xây dựng có nhiệm vụ, quyền hạn ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để quy định cũng như hướng dẫn thực hiện pháp luật về nhà ở, trong đó có vấn đề về tổ chức hội nghị nhà chung cư. Do đó, các tổ chức, cá nhân có vướng mắc thì trước hết nên đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải đáp.
Theo Pháp luật Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ