Cuba sẽ có vắc xin chống lại biến thể Omicron trong tháng 12

GD&TĐ - Các nhà khoa học Cuba cho biết nước này có thể có phiên bản đầu tiên của vắc xin Soberana Plus có khả năng chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong năm 2021.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 13/12, các nhà khoa học Cuba cho biết nước này có thể có phiên bản đầu tiên của vắc xin Soberana Plus có khả năng chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong năm 2021.

Trong một cuộc họp với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Vắc xin Finlay Vicente Vérez cho biết cơ quan này đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu thông qua sử dụng tất cả các mạng lưới hợp tác, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường ngừa Covid-19.

Theo các số liệu chính thức, hiện 95,7% dân số Cuba đủ điều kiện tiêm phòng đã được tiêm chủng đầy đủ sử dụng các loại vắc xin ngừa Covid-19 sản xuất trong nước như Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus. 

Cuba hiện là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vắc xin ngừa Covid-19. Chính phủ Cuba nhận định đây là yếu tố quan trọng nhất giúp nước này kiểm soát đại dịch Covid-19, bên cạnh chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng rộng rãi sớm nhất có thể.

Việc bỏ lỡ chủng ngừa sớm vắc xin đã khiến Cuba phải trải qua một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất vào tháng 7 và tháng 8/2021 vì sự xuất hiện của biến thể Delta, với đỉnh điểm là hơn 9.000 ca/ngày.

Hiện tập đoàn dược phẩm nhà nước BioCubaFarma đã sản xuất đủ vắc xin để tiêm đầy đủ cho toàn bộ dân số Cuba. Vắc xin ngừa Covid-19 của Cuba đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua và Việt Nam. Argentina và Mexico cũng tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm này.

Tiêm 3 mũi vắc xin giúp giảm 91% nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm Omicron

TTXVN dẫn nghiên cứu được công bố ngày 12/12 trên trang mạng medRxiv đưa tin, các nhà khoa học Billy Gardner và Marm Kilpatrick tại Đại học California cho biết vắc xin giúp giảm 86% nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm Omicron đối với người đã tiêm vắc xin theo công nghệ mRNA của Pfizer/ BioNTech hoặc Moderna, 67% đối với người có miễn dịch kém, và 91% sau khi đã tiêm mũi vắc xin thứ ba. 

Nhóm nghiên cứu đã phát triển các mô hình máy tính thu thập dữ liệu về hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 đối với các biến thể trước và các dữ liệu sơ bộ của vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech đối với biến thể Omicron.

Bên cạnh kết quả trên, các mô hình này cũng cho thấy thời gian đầu sau khi tiêm đủ hai mũi vắc xin của Pfizer/ BioNTech hoặc Moderna, vắc xin chỉ giúp giảm 30% nguy cơ nhiễm biến thể Omicron, trong khi con số này là 87% đối với biến thể Delta.

Ông Kilpatrick cho biết, vắc xin giúp “giảm đáng kể” nguy cơ nhiễm có triệu chứng ở những người đã tiêm vắc xin được 4 tháng. Mũi tăng cường sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ lên 48%.

Một nghiên cứu khác cũng đăng trên medRxiv cho thấy các vắc xin ngừa Covid-19 có thể giảm các triệu chứng Covid kéo dài. Các nhà nghiên cứu phân tích kết quả thăm dò từ 28.356 người từ 18-69 tuổi trên khắp nước Anh từng nhiễm virus, chỉ gần 1/4 cho biết có các triệu chứng Covid kéo dài. 

Trong số những người đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên, số người nhiễm có triệu chứng Covid kéo dài đã giảm 13%. Mức giảm lên tới 21% đối với người nhiễm đã tiêm đủ hai mũi, dù là vắc xin của AstraZeneca, Pfizer/BioNTech hay Moderna.

Người đứng đầu nghiên cứu trên, ông Daniel Ayoubkhani, thuộc Văn phòng Nghiên cứu quốc gia Anh, cho biết: “Từ nghiên cứu này, chúng tôi chưa thể khẳng định được cơ chế nào giúp vắc xin tạo ra những thay đổi về triệu chứng. Cần thêm thời gian để đánh giá liệu sự cải thiện nói trên có được duy trì trong thời gian dài hay không và tác động của mũi tiêm tăng cường với các biến thể mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.