Ngày 14/12, thống kê từ Bộ Y tế cho biết, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 7.356.047 liều vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó có 5.881.118 liều mũi 1 và 1.474.929 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin là 64,4% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 16,2% dân số từ 12 -17 tuổi.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 10/12, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được gần 6,9 triệu liều cho nhóm trẻ trên, trong đó có gần 5,69 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.
Tại cuộc họp ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin để đạt mục tiêu đề ra; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vắc xin, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố.
Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi.
Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Nhận định chung, các chuyên gia đều khẳng định, tiêm ngừa vắc xin là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, theo ghi nhận tới thời điểm này, phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 đều vượt qua rất nhẹ nhàng.
Tại Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Covid-19 ở trẻ em, Bộ Y tế đã thông tin, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên Covid-19 trẻ em ít gặp hơn. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Thế nhưng, vị chuyên gia khẳng định, vắc xin vẫn phải coi là một giải pháp cần thiết bởi hai lẽ: một là trẻ mắc Covid-19 chính là nguồn lây cho cộng đồng; hai là, tiêm vắc xin sẽ giúp các em hòa nhập được với cộng đồng.
Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, trường hợp bé trai 9 tuổi nhập viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu hồi cuối tháng 11 là một ví dụ. Bé bị thừa cân, lại bị “cơn bão cytokine” tấn công sau khi mắc Covid-19. Lúc nhập viện, da bé tím tái, độ bão hòa oxy thấp, huyết áp, mạch không ổn định. Cậu bé phải chạy ECMO nhiều ngày mới qua nguy kịch, dần hồi phục.