Tính đến năm học mới 2017-2018 là đúng 10 năm Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Trường học thân thiện” trong toàn hệ thống giáo dục cả nước. Đến nay, sau 10 năm, cuộc vận động đã bước đầu mang lại một bộ mặt gần gũi cho hệ thống giáo dục phổ thông với phụ huynh, xã hội. Các mối quan hệ thầy với trò, trò với trò và đồng nghiệp với đồng nghiệp ngày càng thân thiết hơn dựa trên một nền tảng đạo đức trong sáng, lành mạnh.
Xin kể câu chuyện từ thầy giáo Phạm Phúc Thịnh, trường quốc tế Việt-Úc được đăng trên trang facebook của thầy. Thầy Thịnh kể một buổi sáng, vừa đến cửa phòng mình làm việc, thầy thấy một em học sinh đang đứng chờ có vẻ muốn gặp thầy gấp. Thầy hỏi con cần gì thì em nói con muốn thầy giúp một việc. Em lấy trong cặp ra một gói quà và nói đây là đôi giày con mua tặng một bạn học sinh mới trong lớp vì đôi giày bạn ấy đã quá cũ. Ngập ngừng một lúc, em nói đến đây sớm là muốn gặp riêng thầy hiệu trưởng và nhờ trao món quà cho bạn ấy nhưng đừng nói là của em. Hiểu được câu chuyện, thầy hiệu trưởng đề nghị nói món quà là của lớp và nhờ thầy chủ nhiệm trao. Em học sinh cám ơn thầy hiệu trưởng với niềm vui ngời trong ánh mắt.
Kể câu chuyện, thầy Thịnh cho biết có hai điều thầy đã âm thầm thực hiện và bước đầu có kết quả: 1/ Quan điểm “phòng hiệu trưởng luôn mở rộng đón tiếp tất cả học sinh đến trò chuyện” đã bước đầu thành công, các học sinh đã đến để trò chuyện về các vấn đề của các em ngày càng nhiều hơn; 2/ Tập thể lớp đã đón nhận bạn học sinh mới với sự quan tâm, tôn trọng, không hề kỳ thị. Một môi trường học tập thân thiện đang dần hình thành tại ngôi trường.
Trên thế giới, khái niệm “trường học thân thiện” đã hình thành và thịnh hành vào nửa cuối thế kỷ trước. Có rất nhiều quan niệm phong phú về “trường học thân thiện” ở mỗi nước nhưng tất cả đều nhằm hướng đến việc xây dựng một môi trường học mà ở đó tất cả học sinh đều thương nhau như anh em một nhà, hết lòng quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau; ở đó tập thể sư phạm, từ ban giám hiệu đến từng giáo viên, nhân viên và cảngười bảo vệ đều coi mọi học sinh như con em, hết lòng dạy dỗ, chăm sóc và đối xử một cách công bằng với tình yêu thương một cách trong sáng, vô vị lợi.
Nhưng cuộc vận động “Trường học thân thiện” trên thực tế không diễn ra đồng đều ở các nơi, thậm chí có nơi đang khựng lại. Đáng lo nhất là có những nơi thực hiện cuộc vận động này theo kiểu phong trào, nặng hô hào, hình thức, còn thực tế không thay đổi gì trong cách ứng xử với học sinh. Vâng, đó đây vẫn còn nhiều trẻ em tỏ ra sợ hãi khi phải đến trường, bởi trong mắt các em trường học gắn liền với hình phạt, đòn roi hoặc những bài tập dài lê thê. Mặt khác, tâm hồn các em rất nhạy cảm. Chỉ cần thầy cô đối xử không công bằng giữa các bạn hoặc một lời la mắng trước lớp dễ làm các em bị tổn thương, mất phương hướng. Ngoài ra, thế giới học trò tuy trong sáng nhưng cũng đầy phức tạp xuất phát từ tâm lý lứa tuổi. Nếu thiếu sự định hướng của thầy cô có thể sẽ dẫn tới những vấn đề trầm trọng hơn như tình trạng học sinh lớp lớn bắt nạt, trấn áp tinh thần học sinh nhỏ hơn, tình trạng bạo lực học đường... Tất cả các vấn đề trên như là những cánh tay đẩy các em xa dần trường lớp.
Giải quyết các tình trạng này là rất nan giải nhưng vẫn có thể làm được, mà một trong các giải pháp là xây dựng môi trường trường học thân thiện. Với tuổi học trò, các biện pháp hành chính, giáo dục pháp luật... nhằm giúp chúng phân biệt phải trái, đúng sai vẫn chưa đủ mà cần phải có tình thương. Phải gieo vào lòng mỗi học sinh hạt mầm tin cậy. Tin cậy vào giáo viên, bạn bè và nhà trường. Phải tạo môi trường để các em thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, bắt đầu từ những việc nhỏ, gần gũi với các em, như việc thầy hiệu trưởng luôn mở cửa đón học sinh mỗi ngày. Thật đơn giản, phải không?