Của hồi môn quan trọng thế nào?
Nhiều chị em coi của hồi môn là thứ quan trọng khi xuất giá theo chồng, bởi đây không chỉ là một phần trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống mà còn là “vật phòng thân” cho cuộc sống trong tương lai.
Mới đây, trên nhiều diễn đàn tâm sự, truyền nhau câu chuyện của cô dâu mới T.L. (Ninh Bình) chia sẻ trên diễn đàn rằng, cô đưa hết của hồi môn cho mẹ chồng, cùng khẳng định: “Ngày mới về làm dâu, mình đã đưa hết của hồi môn mà bố mẹ đẻ trao tặng cho mẹ chồng cất giữ. Vì mẹ chồng rất thương mình, coi mình như con gái trong nhà. Mình quan niệm, mẹ chồng cũng là mẹ của mình có đi đâu mà phải sợ thiệt với tính mình hay đoảng đưa cho mẹ chồng cất giữ là yên tâm nhất”.
Sau khi đăng tải, bài chia sẻ ngắn này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Không ít chị em giật mình suy nghĩ, nhiều người còn đặt ra câu hỏi: “Có nên đưa của hồi môn của mình cho mẹ chồng giữ hộ?”.
Trước những băn khoăn về việc có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng cất giữ hay không, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với bạn trẻ đang thật sự “bức xúc” về vấn đề này.
Nên hay không?
Tuệ Nhi (Hải Phòng) được đông đảo mọi người biết đến là một cây viết trẻ, có những câu chuyện đáng suy ngẫm về triết lý sống. Năm nay, Tuệ Nhi bước sang tuổi 28 thế nhưng chị cho hay việc lấy chồng, không thể nóng vội được. Chia sẻ về việc sau này lấy chồng có nên đưa cho mẹ chồng cất giữ giùm của hồi môn hay không, Tuệ Nhi cho hay: “Tôi chưa lập gia đình nhưng sau này tôi nghĩ là có của hồi môn thì tôi cũng sẽ không đưa cho mẹ chồng. Bởi khi kết hôn có nghĩa là chúng ta đã đủ trưởng thành để xây dựng một tổ ấm. Mỗi một gia đình đều có những khoản chi tiêu, tích lũy riêng, nếu ở chung với bố mẹ chồng thì vợ chồng có trách nhiệm đóng góp tiền sinh hoạt phí. Tôi không biết tại sao lại có cô gái có ý nghĩ đưa của hồi môn cho mẹ chồng, theo tôi, đó là tài sản cá nhân”.
Tuệ Nhi không đồng ý việc đưa của hồi môn của mình cho mẹ chồng cất giữ.
Đồng quan điểm với Tuệ Nhi, chị Nhữ Thị Thảo (“hotmom” nổi tiếng về các câu chuyện tình yêu, gia đình, hiện đang sống tại Phú Thọ), cho rằng, chị không đồng tình việc đưa của hồi môn cho mẹ chồng. Bởi của hồi môn là tài sản cá nhân nên hai vợ chồng phải tự cất giữ, trừ trường hợp bố mẹ chồng yêu cầu đưa.
“Cặp vợ chồng nào còn quá trẻ có thể đưa cho mẹ chồng cất giữ hộ, nhưng sau này khi hỏi lại thì sẽ rất khó bởi đây là chuyện tế nhị. Vì thế, theo tôi vợ chồng nên bàn bạc với nhau cất giữ thì hơn”, chị Nhữ Thị Thảo cho hay.
"Hotmom" 8X Nhữ Thị Thảo cũng không đồng tình đưa của hồi môn cho mẹ chồng.
Mới về làm dâu được 3 tháng, cô dâu Nguyễn Thu Hiền (Hải Phòng) quả quyết: “Tôi không đồng ý đưa hết của hồi môn cho mẹ chồng, bởi lấy chồng đã là trưởng thành, có cuộc sống riêng. Trường hợp nếu như nhà chồng nợ nần vì phải lo đám cưới, tôi mới đưa của hồi môn để bà cất giữ, bởi sau này tôi cũng phải chịu trách nhiệm với gia đình riêng của mình”.
Còn với chị Nguyễn Thúy Nhanh (Lai Châu) cho hay, về nhà chồng làm dâu, chị coi mẹ chồng như mẹ đẻ, bởi bà không còn chồng bên cạnh và một mình vất vả nuôi nấng chồng chị nên người. Chính vì thế, chị Nhanh chia sẻ: “Mẹ chồng tôi rất hiền và bà không bao giờ nhắc đến chuyện tiền nong hay của hồi môn. Mặc dù không đưa cho mẹ chồng cất giữ nhưng tôi cũng công khai với bà số tiền mà bố mẹ đẻ tôi cho và nói với mẹ tôi cất giữ. Như vậy, cả mẹ và tôi đều cảm thấy thoải mái hơn”.
Để có cái nhìn khách quan hơn, PV báo Người Đưa Tin cũng có cuộc trao đổi nhanh với bà mẹ chồng có tên Trần Thị Khuyên (SN 1973, Hà Nội), bà cho hay: “Tôi không can thiệp vào chuyện của hồi môn của con dâu và cũng không bao giờ có ý định giữ hộ con, bởi đó là tài sản của riêng con. Tôi rất thẳng thắn với con dâu, vì thế nếu con có ý định đưa của hồi môn cho tôi cất giữ thì tôi cũng không cầm, vì đã trao cho con rồi con toàn quyền xử lý”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Hà Nội) chia sẻ: “Thời xưa của hồi môn không quá quan trọng nhưng trong thời đại hiện nay của hồi môn không chỉ là món quà trao cho con gái về nhà chồng nữa mà đôi khi còn bị “thương mại hóa”. Điều đó có nghĩa là nhà gái muốn ra oai với nhà trai còn thuê trang sức để trao cho con. Còn việc đưa của hồi môn cho mẹ chồng giữ, tôi nghĩ có hai trường hợp có thể xảy ra.
Thứ nhất, nếu bố mẹ chồng có ý định mua nhà riêng cho vợ chồng mới thì việc đóng góp của hồi môn là điều cần thiết. Thứ hai, bố mẹ chồng có ý vòi vĩnh, bắt phải đưa nhưng không đem lại cho hai vợ chồng chút lợi gì bạn cũng nên cân nhắc bởi chuyện tiền nong rất nhạy cảm. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh của từng cô dâu mà có cách xử lý của hồi môn khác nhau, không có bất cứ một công thức chung nào và cũng không thể áp dụng rộng rãi”.
Dù mỗi người một ý nhưng tựu chung lại, các nàng dâu đều cho rằng họ có thể tự lo được cho cuộc sống hôn nhân mới. Chính vì vậy, việc đưa của hồi môn cho mẹ chồng cất giữ là điều không thể. Tuy nhiên, để không làm mất lòng đôi bên, các nàng dâu cũng nên chia sẻ thẳng thắn với mẹ chồng để tránh “mất lòng trước được lòng sau”.