(GD&TĐ) - Cua đồng – món ăn dân giã giàu dinh dưỡng trước đây chỉ quanh quẩn ở vùng nông thôn; nhưng hiện nay, con “8 cẳng 2 càng” này đã “vượt lũy tre làng” có mặt trong bữa cơm của người thành thị, trên bàn tiệc các nhà hàng, quán nhậu. Với những người chỉ thưởng thức thì cua đồng là món khoái khẩu, nhưng với người xa quê lâu ngày, món ăn này còn gợi nhớ chút quê hương.
Cua đồng lên phố
Buổi chiều, đi trên các tuyến đường Trần Phú, Lê Hồng Phong, đặc biệt con đường cạnh Quảng trường 16/3, TP Kon Tum, rất dễ gặp nhiều người dân mang theo những chậu, xô thậm chí cả bao cua đi bán. Họ đều là phụ nữ ở các làng đồng bào DTTS ven nội thị thành phố Kon Tum như: Kon Rờ Bàng I, II, Phương Quý (xã Vinh Quang), Kon Hra Chót, Kon Tum Knâm (phường Thống Nhất)… tranh thủ những ngày nước lên, cua nhiều, việc nhà nông lại rỗi rãi đi bắt cua kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Cả “đường cua, chợ cua”, nhiều là thế, vậy mà chỉ trong chốc lát đã được người ta mua hết sạch. Từ đây, con cua đồng được “rong ruổi” khắp nơi. Dưới bàn tay khéo léo của mình, những người nội trợ sẽ tạo ra những món ăn hấp dẫn.
Vào mùa khô, ruộng đồng nứt nẻ thì cua được những người buôn bán đưa từ Bình Định lên, còn mùa này thì hầu hết là của dân địa phương bắt từ đồng ruộng, sông suối.
Sở dĩ cua đồng ngày càng chiếm được sự “ưu ái” nhiều người tiêu dùng bởi đây là loại thực phẩm chứa nguồn đạm quý, có giá trị dinh dưỡng cao.
Những năm gần đây, trước những thông tin về nhiều thực phẩm tẩm ướp các loại chất, sử dụng chất tăng trọng, kích thích trong chăn nuôi thì cua đồng lại càng có cơ hội “lên ngôi”. Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, rất nhiều nhà hàng, quán nhậu đã đưa cua đồng vào trong thực đơn kinh doanh của mình.
Cua được người dân bày bán khá nhiều trên tuyến đường cạnh quảng trường 16/3 TP Kon Tum |
Dân dã nhưng kỳ công
Từ con cua đồng, người ta có thể chế biến được rất nhiều món ăn, chẳng hạn những món truyền thống như canh cua, riêu cua, cua rang me hay hiện đại hơn có món lẩu cua… nhưng có lẽ phổ biến nhất là món canh cua.
Để có một nồi canh cua ngon và hấp dẫn thì từ việc làm cua, giã đến khi nấu là cả một quá trình đòi hỏi người nội trợ phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Quê tôi ở vùng đồng chiêm trũng của đồng bằng Bắc bộ nên món canh cua mùa hè không có gì xa lạ.
Cua đồng đem ngâm nước rồi rửa cho sạch bùn đất, sau đó, xé cua, bỏ phần yếm đi, phần mai cua để riêng và chỉ lấy phần thân sau đó vẩy cho sạch nước bỏ vào cối đá giã nhuyễn, khi giã cho một chút muối để thịt cua dẻo và không bị mùi. Giã cua cũng là cả một nghệ thuật, bởi nếu không biết giã thì cua sẽ chảy nước, văng ra xung quanh nên khi giã cần phải nhanh và đều tay đến khi thịt cua nát và dẻo thì cho nước vào lọc, bỏ xác đi.
Ngày nay, để tiện lợi, tiết kiệm thời gian, người ta dùng các loại máy xay, nhưng cách này không cho ra món cua ngon như giã bằng tay.
… Cũng “hái” ra tiền
Cua đồng có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa hè, khi những cơn mưa đổ xuống, đó cũng là thời điểm cua sinh sôi, phát triển rất nhanh và thời gian này đang là mùa cua đồng.
Theo chân chị Y Hưm (làng Kon Rờ Bàng II, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) đến một đám ruộng mà vụ này người dân bỏ không cấy, nước ngập nửa thân cây dạ, chị lấy rổ súc, trung bình mỗi lần nhấc rổ, ít thì được vài ba con, nhiều tới 5 – 6 chú béo tròn, trắng sạch. Chọn những con lớn, chị thả lại những chú cua nhỏ. Chị nói: “Mình chỉ bắt những con ăn được còn con nhỏ thả lại để nó sinh sôi, mùa sau còn có mà bắt”.
Một buổi như thế, thường thì chị bắt được cả 3 – 4 kg cua, hôm nào mát trời, cua nhiều, chị thu được cả 5 - 6 kg. Theo chị Y Hưm mùa này, mưa xuống, cua theo dòng nước lên ruộng đã gặt để kiếm thức ăn nên có rất nhiều. Trong làng, buổi sáng các chị em lại rủ nhau đi bắt, có khi cả mấy người đàn ông cũng đi bắt. Chỗ nào ngập nước sâu thì dùng rổ để xúc, chỗ nào nước cạn thì dùng chân giận rồi dùng tay bắt.
Hiện tại, giá cua đồng được bán trên thị trường với mức khoảng 50 – 60.000 đồng/kg và nếu vào những đợt khan hiếm, giá cua có thể lên đến 80 - 100.000 đồng/kg. Một ngày trung bình một người bắt được khoảng 3 - 4 kg cua. Với mức giá này, con cua đồng cũng mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân.
Cua là con vật khá dễ tính, thức ăn cho cua khá đơn giản, dễ kiếm như mì, cám, thức ăn thừa của gà, heo… mỗi lứa cua thả nuôi khoảng 3 tháng. Ở nhiều nơi, người dân đã biết nuôi cua, nhưng ở tỉnh ta, vấn đề này dường như còn rất xa lạ. Có thể nói, với giá thành và nhu cầu thị trường như hiện nay thì nghề nuôi cua cũng hái ra tiền đấy chứ!
Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học thì “trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước, 12,3g protid, 3,3g lipid, 2g glucid, cung cấp được 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi trong cua đồng rất cao: Trong 100g cua có tới 5.040mg canxi, 430mg photpho, 4,7mg sắt, các loại vitamin B1, B2, PP… Chất lượng protid trong cua cũng thuộc loại tốt, qua phân tích người ta thấy có 8 trên 10 axit amin cần thiết, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và trytophane”. |
Ngọc Linh