Cử tri vẫn đợi...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tại đây, các đại biểu đánh giá, nhiều kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung giải quyết, song cũng còn không ít vấn đề kiến nghị nhiều lần vẫn chưa có kết quả thỏa đáng, khiến người dân mòn mỏi chờ.

Ví dụ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết, từ rất lâu, cuộc tiếp xúc nào, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến của cử tri đề nghị giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn cả nước…

Vấn đề này đã được Bộ LĐ-TB&XH nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.

Một ví dụ nữa là dịch Covid-19 qua đã lâu nhưng Bộ Y tế cũng vẫn chưa ban hành hướng dẫn các cơ sở y tế trả nợ vật tư, thuốc men “vay” các nhà cung cấp, doanh nghiệp từ hồi chống dịch.

Vì vậy, các cơ sở y tế vẫn chưa thể thanh toán cho các nhà cung cấp. Tình cảnh “chủ nợ mòn mỏi chờ trả nợ, con nợ mòn mỏi đợi hướng dẫn” không chỉ xảy ra tại Bình Thuận, mà còn là thực trạng chung trên cả nước.

Cũng phản ánh về nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy cho rằng, chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi “chưa được giải quyết dứt điểm”.

Theo đại biểu, giai đoạn 2019 - 2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây nhiều thiệt hại cho người và các cơ sở chăn nuôi. Trước tình hình này, Thủ tướng đã có Quyết định số 793/QĐ-TTg (năm 2019) và Quyết định số 2254/QĐ-TTg (năm 2020) hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch; qua đó, kịp thời hỗ trợ, động viên người chăn nuôi, hộ nông dân, các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy.

Từ năm 2021 đến nay, hằng năm, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn có những đợt bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, ảnh hưởng đến các hộ gia đình và các cơ sở chăn nuôi nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.

Tại văn bản trả lời cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Bộ NN&PTNT đã nêu đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý IV/2022. Tuy nhiên, khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Bộ lại nêu sẽ trình Chính phủ ban hành vào quý IV/2024, tức là chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa.

Những ví dụ nêu trên chỉ là một vài trong số những vấn đề cử tri “kiên trì kiến nghị” và các bộ, ngành liên quan “kiên trì chậm trễ” trong thời gian qua. Nếu tình trạng này không được cải thiện, nếu người dân cứ phải mòn mỏi chờ đợi những kiến nghị của mình được giải quyết thấu đáo và kịp thời, thay vì chỉ trả lời kịp thời, thì niềm tin của họ vào Nhà nước, vào chính quyền và người đại diện chắc chắn bị mai một - điều này sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Quân đội Israel tấn công Gaza.

IDF đã sẵn sàng tấn công Rafah

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 5/5, quân đội Israel đã sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...