Thực ra, hình thức đào tạo mới này đã được bàn luận từ năm 2008, nhưng mãi tới mùa thu năm nay mới được đưa vào thực nghiệm tại một số trường đại học trên cả nước trong thời gian 4 năm. Tham gia thực nghiệm có các trường như: Đại học Luyện kim Moskva, Đại học Công nghệ quốc gia Kazan, Học viện Kinh tế quốc dân thuộc Tổng thống Liên bang Nga, Học viện Tài chính, Đại học Tổng hợp Penzen, Đại học Tổng hợp quốc gia Sibir và nhiều trường đại học, cao đẳng khác. Hiện nay con số chính xác đang được điều chỉnh, nhưng sẽ không dưới 30 trường.
Bà Natalya Gunyavina, trưởng Phòng Phát triển và điều chỉnh định mức giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Nga giải thích: “Việc dạy học theo chương trình cử nhân thực hành mang tính định hướng thực hành. Trong thời gian học tập sinh viên sẽ có điều kiện vận dụng các kiến thức lý thuyết vào thực tế, kiểm tra tính hữu dụng của các kiến thức, kĩ năng của mình tại nơi làm việc”. Ngòai ra, sinh viên viết luận văn tốt nghiệp không phải về đề tài lý luận chung chung, mà về việc giải quyết một vấn đề sản sản xuất cụ thể của chính xí nghiệp, nơi anh ta đến thực tập trước tốt nghiệp. “Có nghĩa, luận văn được hiểu ngầm là sự giúp đỡ của sinh viên đối với các xí nghiệp”, - bà Natalya Gunyavina nói tiếp. Như vậy, ở đây có hai cái lợi: xí nghiệp nhận được lời đề nghị giải quyết một vấn đề nào đó trong sản xuất, bù lại, người tốt nghiệp hòan tòan được bảo đảm việc làm sau khi ra trường, tất nhiên với điều kiện anh ta thể hiện tốt khả năng của mình trong thời gian học tập.
Tất cả những người theo học chương trình “cử nhân thực hành” sẽ được nhận bằng đại học nghề nghiệp, kể cả những người tốt nghiệp trường cao đẳng.
“Điều đó là có thể thực hiện được, vì rằng mỗi trường cao đẳng tham gia vào quá trình thực nghiệm sẽ ký hợp đồng hợp tác với một trường đại học chuyên ngành, - bà Natalya Gunyavina nói. – Chính tại trường đại học này sinh viên sẽ tiến hành thi quốc gia, bảo vệ luận văn tốt nghiệp và nhận văn bằng”.
Các chuyên gia giáo dục tỏ ra hài lòng vì rốt cuộc Nhà nước đã thông qua quyết định đào tạo không phải những cử nhân bị nhiều nhà tuyển dụng đánh giá là “những người có trình độ đaị học chưa hòan chỉnh”, mà những cán bộ chuyên môn hẳn hoi có trong tay một ngành nghề rõ ràng, đồng thời lại am hiểu lý thuyết. “Đối với chúng tôi sự liên kết giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp là vấn đề hết sức sống còn, - ông Mikhail Strikhanov, hiệu trưởng Trường Đại học kỹ sư vật lý Moskva phát biểu. - Hiện nay các công cụ và máy móc trở nên phức tạp đến mức cần phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn để vận hành các thiết bị hịên đại”
Sáng kiến của Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cũng nhận được sự nhất trí của lãnh đạo các trường đại học khác. Bà Galina Mitrofana, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài chính-Công nghệ Saratov nhận xét: “Nếu chúng ta tham gia vào tiến trình Copenhagen (tiến trình chuẩn hóa các yêu cầu đối với giáo dục nghề nghiệp và áp dụng một hệ thống đánh giá kiến thức và kỹ năng chung tòan châu Âu), thì cần phải đáp ứng các yêu cầu”. Trường của bà đã ký 216 hợp đồng với các xí nghiệp khác nhau, nơi sinh viên có thể tiến hành thực tập sản xuất. “Nếu như công việc của sinh viên chúng tôi trong thời gian thực tập làm vừa lòng nhà tuyển dụng, thì họ không đánh mất mối liên hệ, và sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, họ hòan tòan được bảo đảm việc làm, - bà Galina Mitrofanova nói. - Về phía mình, chúng tôi cố gắng trang bị cho sinh viên tất cả những kiến thức cần thiết, kể cả bằng hình thức tự chọn. Đó không chỉ là môn kế tóan, mà còn luật, thuế, bảo đảm chương trình cho các nhà tài chính. Kết quả là số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trường chiếm 60%. Trường chúng tôi hợp tác với các trường chủ chốt của thành phố Saratov, khiến việc tham gia hệ thống cử nhân thực hành trở nên thuân lợi hơn.
Ông Valery Sokhabeev, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật hàng không Kazan nói: “Tôi cho rằng cử nhân thực hành là con đường đào tạo cán bộ chuyên môn trình độ mới. - Chúng tôi sử dụng cả hình thức đào tạo cá nhân, điều này giúp mỗi học viên thể hiện tốt hơn khả năng của mình. Kết quả là 70-80% học viên sau đó xin được việc làm đúng ngành nghề”
Rõ ràng, hệ thống cử nhân thực hành vừa mới ra đời, nên còn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ, vấn đề vị trí của cử nhân. Hóa ra, sự phân loại cử nhân, thạc sĩ và các cán bộ chuyên môn khác năm 1990 khiến cho bậc cử nhân được coi như một dạng cán bộ chuyên môn nửa mùa. Ông Mikhail Strikhanov nói: “Hiện nay vai trò của cử nhân được đánh giá như thế nào, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật, đang là một câu hỏi. - Cần phải thay đổi sự phân loại chuyên ngành. Trước mắt các nhà tuyển dụng vẫn thích nhận các cán bộ chuyên môn đã tốt nghiệp chương trình đầy đủ”.
Ông Valery Sokhaeev cho rằng cử nhân thực hành sẽ giúp giải quyết vấn đề này. “Cử nhân thực hành là nhà thực hành, chứ không phải lý thuyết, vì thế anh ta được trọng dụng”. Tuy nhiên, theo ý kiến ông Sokhaeev, hiện còn sớm để nói về điều đó, trước tiên cần khởi động chương trình, rồi vài năm nữa đánh giá sự hợp lý của nó cũng chưa muộn.
Chương trình đào tạo mới cũng tạo điều kiện cho các trường trung cấp chuyên nghiệp, bởi khi cấp bằng đại học, họ có thể thu hút nhiều hơn những người có nguyện vọng học tập. Hiểu được sự thiếu hụt trầm trọng công nhân lành nghề và đội ngũ kỹ sư trong nền sản xuất hiện nay, chúng ta có thể hy vọng rằng nhiều thí sinh sẽ hăng hái theo học chương trình cử nhân thực hành.
Hiển nhiên là cái mới bao giờ cũng gây ra sự phê phán. Chúng ta không thể tiên lượng được tất cả mọi vấn đề ngay lập tức, cần có thời gian để phát hiện ra những nhược điểm của chương trình mới. Nhưng ít ra thì cử nhân thực hành không chỉ là sự kế tục xu hướng thế giới. Bởi mỗi trường học quyết định tham gia chương trình này không phải một cách dễ dàng. Họ phải tiến hành các cuộc đàm phán với các nhà tuyển dụng có quan tâm tới mô hình cán bộ chuyên môn kiểu mới, vì vậy nếu chương trình đào tạo đáp ứng những yêu cầu của ban lãnh đạo các xí nghiệp, thì hệ cử nhân thực hành có nhiều triển vọng.
Trần Hậu (Theo báo Nga)