Cú 'lội ngược dòng' của nam sinh xếp cuối lớp 12 thành thủ khoa đầu ra Trường ĐH Y Hà Nội

GD&TĐ - Trường ĐH Y Hà Nội đã giúp em thay đổi chính mình, tự tin, bản lĩnh hơn vào bản thân theo đuổi ước mơ.

Trần Lê Đức Anh, sinh năm 2000, tốt nghiệp ngành Y khoa với điểm trung bình 8,57/10. Ảnh NVCC.
Trần Lê Đức Anh, sinh năm 2000, tốt nghiệp ngành Y khoa với điểm trung bình 8,57/10. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của tân bác sĩ Trần Lê Đức Anh, sinh năm 2000, tốt nghiệp ngành Y khoa với điểm trung bình 8,57/10 - thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2024.

Trượt trường chuyên

Sau kỳ thi bác sĩ nội trú căng thẳng, PV có cuộc trò chuyện với chàng thủ khoa Trần Lê Đức Anh. Đức Anh hiền lành, có phần hơi kiệm lời khi được hỏi về hành trình theo đuổi ước mơ, điều gì khiến bản thân tự hào.

Chàng thủ khoa khiêm tốn nói: “Có lẽ là đỗ được vào ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội; đây chính là giấc mơ em chưa từng nghĩ tới và nó đã giúp thay đổi cuộc đời em, từ một người tự ti trở nên tự tin hơn”.

Dứt lời, ánh mắt Đức Anh trầm xuống nhìn xa xăm nhớ lại: “Gần 10 năm về trước, em từng thi trượt liên tiếp 3 trường chuyên gồm Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT Chuyên ĐH Sư phạm và THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Khi mới biết tin em chỉ thoáng buồn, thế nhưng khi nhìn lại sức học của bản thân khiến em rất mất tự tin vào chính mình”.

Sau khi trượt trường chuyên, Đức Anh đậu vào một trường công có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, tâm lý tự ti và mặc cảm vẫn còn đè nặng trong em nên năm lớp 10 và lớp 11, Đức Anh không có gì nổi bật, điểm số luôn xếp cuối lớp.

Lên lớp 12, ước mơ trở thành một bác sĩ của Đức Anh đã thức tỉnh bản thân, thôi thúc chàng trai quyết tâm vực dậy để chinh phục ước mơ. Đức Anh kể: “Với lực học của em lúc đó, em không tự tin mình sẽ đỗ vào ngành Y. Vì vậy, em xác định ôn thi hai khối A00 và B00, nếu không đỗ ngành Y còn phương án dự phòng là các trường thuộc khối ngành Kinh tế”.

Đức Anh xác định bản thân chỉ có một năm để bứt phá, khắc phục những điểm yếu trong quá trình học tập và chinh phục giấc mơ Trường ĐH Y Hà Nội.

“Em đã học ngày học đêm, ngoài học ở trường em còn học trực tuyến, tự học, tận dụng tối đa thời gian mình có để học. Đến giữa năm lớp 12, em mới quyết định tập trung cao độ vào học khối B00 nhằm xét tuyển vào ngành Y”, Đức Anh trải lòng

Rất may mắn trời không phụ lòng người, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó nam sinh đạt 24,9 điểm khối B00 - vừa đủ đỗ vào ngành Y khoa là 24,75 điểm.

Một phần em có lại tự tin trong học tập chính là nhờ anh trai. Anh trai em cũng theo học ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh thi đỗ nội trú Sản khoa và giành học bổng du học Pháp. Anh là tấm gương, động lực để em nhắc nhở bản thân anh trai làm được thì mình cũng làm được”, Trần Lê Đức Anh chia sẻ.

Xác định học vững từ đầu

Ngay sau khi đậu vào Trường ĐH Y Hà Nội, Đức Anh xác định phải học thật vững kiến thức cơ bản vì sợ không theo kịp các bạn cùng khóa.

“Những lúc bản thân cảm thấy áp lực, em sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, tự nhắc mình có được hôm nay đã phải vượt qua nhiều thử thách. Các môn ở trường y rất khó, phải học thuộc rất nhiều, rất dễ nản lòng nhưng em luôn tự nhủ mình phải cố gắng mỗi ngày một ít góp gió thành bão”, Đức Anh tâm sự.

Bắt đầu từ năm 3 đại học thời gian đi học lâm sàng ngày càng nhiều, Đức Anh được tiếp xúc với bác sỹ, y tá, điều dưỡng cho đến bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhiều hơn.

tk-2.jpeg
Đức Anh cùng gia đình của mình tại lễ tốt nghiệp. Ảnh NVCC.

“Thậm chí, thời gian sinh hoạt trong ngày cũng khác, ngày vừa phải đi viện vừa phải ôn thi, tối lại đi trực khiến cho bản thân yêu nghề và trân trọng ngành học của mình hơn”, Đức Anh chia sẻ.

Từ những kinh nghiệm bản thân đã trải qua, Đức Anh nhận thấy điều quan trọng nhất khi học ngành Y là duy trì thói quen ghi chép và tích lũy hàng ngày. Kiến thức của các năm học sẽ như sợi xích móc nối nhau, nếu quên buộc mọi người phải học lại từ đầu. Cho nên, bạn cần biết kỹ năng tự tổng hợp kiến thức có bằng cách gạch đầu dòng những ý chính; chọn từ khóa quan trọng để ghi nhớ, hình thành hệ thống kiến thức.

Được biết, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Đức Anh vừa hoàn thành kỳ thi bác sĩ nội trú. Theo Đức Anh kỳ thi bác sĩ nội trú là kỳ thi đường dài, nên hầu hết mọi người đều có sự chuẩn bị từ một năm trước. Trong thời gian ôn thi một năm đó, nam sinh luôn cố gắng cân bằng giữa thời gian học, giải trí, vui chơi cùng bạn bè, duy trì cuộc sống lành mạnh.

Nhưng khi kỳ thi đến gần, chỉ còn 1 - 2 tháng nữa thì mọi chuyện rất khác, mọi người học được giây nào hay giây đó, kể cả đi ăn sáng hay vệ sinh cá nhân cũng cầm điện thoại theo để học.

“Thời gian này mình gần như bị mất ngủ, vì quá lo lắng. Nếu không ngủ được, bản thân rất mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe cho việc ôn thi. Hiện tại, sau khi thi xong, tâm trạng mình khá thoải mái và có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn”, Đức Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.