Nữ thủ khoa đầu ra Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ về 'cú quay xe' ngành học

GD&TĐ - Khi cô giáo thông báo mình là thủ khoa, Chử Hồng Ngọc đã không khỏi bất ngờ.

Chử Hồng Ngọc, sinh năm 2001, tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng, Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh NVCC.
Chử Hồng Ngọc, sinh năm 2001, tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng, Trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh NVCC.

Chử Hồng Ngọc, sinh năm 2001, tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng với số điểm 8,43/10 điểm - trở thành tân thủ khoa đầu ra năm 2024 của Trường ĐH Y Hà Nội

Nỗ lực để thực hiện ước mơ

Sau khi đỗ vào trường đại học mình mong muốn, Chử Hồng Ngọc luôn xây dựng kế hoạch học tập khoa học cho bản thân để làm sao hoàn thành chương trình học sao cho hiệu quả.

Mỗi môn học, nữ thủ khoa luôn nhắc nhở bản thân phải nắm chắc kiến thức để sau khi đi lâm sàn hay làm việc thực tế không bị bỡ ngỡ. Theo đó học trên lớp, Hồng Ngọc chọn ngồi ở bàn đầu tiên nhằm tập trung nghe giảng; dễ dàng trao đổi với thầy cô và bạn bè.

Hồng Ngọc chia sẻ: “Quá trình học nhóm, làm bài tập nhóm, em thường xung phong làm nhóm trưởng để bao quát toàn bộ vấn đề, tìm hiểu các bài tập kỹ hơn, trau đổi thêm nhiều kỹ năng.

Ngoài ra, em cũng tìm hiểu thêm tài liệu, giáo trình chuyên ngành ở ngoài trường; tham khảo bài nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Bên cạnh đó, em sẽ tự hệ thống tất cả kiến thức bằng sơ đồ riêng nhằm học tốt hơn. Trong các kỳ kiểm tra, em tự tạo ra những bài kiểm tra tại nhà ôn luyện trước nhằm củng cố kiến thức thật vững vàng trước khi bước vào phòng thi”.

Trong quá trình học ngoài đi lâm sàng, Hồng Ngọc còn được đi tham quan các nhà máy sản xuất thực phẩm, sữa, ... Ngoài ra, sinh viên ngành Dinh dưỡng còn được đi thực tế tại các trạm y tế, khu văn hóa cộng đồng để khảo sát đời sống và hòa mình vào đời sống của người dân.

hn-2.jpeg
Chử Hồng Ngọc tại lễ tốt nghiệp. Ảnh NVCC.

Chương trình học của Hồng Ngọc có nhiều bài kiểm tra đánh giá do đó, có những thời điểm nữ sinh phải học và làm việc xuyên đêm. Cũng nhờ phương pháp học khoa học, Hồng Ngọc đã đạt 7/8 kỳ học bổng trong quá trình học tại Trường ĐH Y Hà Nội; nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên.

Đặc biệt, nữ thủ khoa có nhiều bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề rối loạn ăn uống được chia sẻ tại hội thảo trong nước; một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế liên quan đến việc sử dụng sữa.

“Em dự định đăng ký vào ngành Y khoa, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của một số anh chị khóa trên, em quyết định nộp hồ sơ vào ngành Dinh dưỡng. Trường ĐH Y điểm chuẩn rất cao, thời gian ôn thi không đủ để em bứt phá đạt được số điểm gần tuyệt đối nên em chọn ngành Dinh dưỡng, may sao em đủ điểm đỗ”, Chử Hồng Ngọc chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hồng Ngọc còn thử sức với một số cuộc thi về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và áp dụng vào ngành y tế với các dự án “Mom&Kid: Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé” hay dự án “BeaLIFE mạng lưới kết nối những người nhiễm/nghi nhiễm HIV/AIDS”...

Từng bị gia đình phản đối để thay đổi ngành học

Tốt nghiệp với thành tích thủ khoa nhưng ít ai biết được, Hồng Ngọc từng có thời gian theo học ngành Luật của Trường ĐH Luật Hà Nội. Hồng Ngọc chia sẻ: “Sau nửa năm theo học, dù bản thân đã cố gắng học hành nghiêm túc, nhưng em vẫn cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành học này. Trong lòng, em vẫn ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội.

Thêm vào đó, việc học trực tuyến trong đợt dịch khiến em khá nản nên mình đã lấy hết dũng khí chuyển hướng sang ôn thi lại ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội”.

Lúc quyết định ôn thi lại, gia đình Hồng Ngọc đã phản đối rất kịch liệt. “Bố mẹ em thích con gái học ngành Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội lại là trường danh tiếng, nếu bỏ lỡ sẽ rất phí”, Hồng Ngọc kể lại.

hn-1.jpeg
Hồng Ngọc luôn cố gắng xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập khoa học cho bản thân. Ảnh NVCC.

Để theo đuổi đam mê, tạo sự yên tâm cho bố mẹ trước quyết định thay đổi ngành học của mình, Hồng Ngọc đã dành toàn tâm ba tháng để ôn thi lại. Toàn bộ quá trình đều tự học, riêng đối với môn Sinh học, nữ thủ khoa đã đăng ký học một khoá học online môn Sinh để củng cố kiến thức.

Mặc dù đã nỗ lực để vào được ngôi trường đại học mình mơ ước từ thời phổ thông nhưng ngày đầu mới nhập học, Hồng Ngọc đã rất tự ti bởi bản thân đi học muộn so với các bạn cùng khoá một năm. Cho nên, ngay từ đầu nữ sinh đã xác định tận dụng thời gian để học và rèn nghề thật tốt, nếu lần này thất bại tiếp thì sẽ không còn cơ hội để làm lại

Hiện tại, Hồng Ngọc làm việc tại một phòng khám tư và dành thời gian để hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự thi thạc sĩ với mong muốn sau này có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học.

“Trường ĐH Y Hà Nội có nhiều bạn chăm chỉ và rất xuất sắc, bản thân chỉ nghĩ cố gắng học tốt là được. Lúc phát biểu ra trường, em cảm thấy xúc động nhất là phần cảm ơn bố mẹ, gia đình thầy cô, vì trước đó em đã phát biểu trước đám đông rất nhiều lần nhưng chưa lần nào được bày tỏ cảm xúc với người thân của mình”, Hồng Ngọc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.