Cú hích thay đổi diện mạo giáo dục đại học

Cú hích thay đổi diện mạo giáo dục đại học

Đạt chuẩn kiểm định CTĐT theo chuẩn AUN–QA là một trong những lựa chọn mà trọng tâm nhằm nâng cao vị thế, khẳng định chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH trong khu vực ASEAN và thế giới. Tuy nhiên, để có được các chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA là một quá trình không mấy dễ dàng.

Đích đến của trường đại học

Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) - ĐHQG TPHCM, một trong 3 cơ sở GDĐH tại Việt Nam đạt chuẩn AUN-QA cấp cơ sở GD. Đồng thời, HCMIU có 12 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA. Để có được thành quả này, nhà trường đã có lộ trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo TS Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng HCMIU, việc chuẩn bị để thực hiện đánh giá các CTĐT của trường đều xuất phát từ quan điểm chất lượng là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế và xây dựng CTĐT.

 Chúng tôi xây dựng các kế hoạch đánh giá cụ thể trong chiến lược của nhà trường. Theo kế hoạch chiến lược trung hạn về bảo đảm chất lượng, hằng năm trường lập kế hoạch đánh giá cụ thể, từ đó đơn vị học thuật phụ trách CTĐT có chương trình đánh giá sẽ chủ động thực hiện tự đánh giá và các phòng chức năng liên quan phối hợp thực hiện. Khi văn hóa chất lượng được phổ biến và quán triệt trong toàn trường, việc triển khai đánh giá một CTĐT nào đó của trường đều thuận lợi…  
            TS Trần Tiến Khoa chia sẻ

Là thành viên của AUN từ năm 2014, đến nay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) có 14 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA. Đây là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể sư phạm nhà trường. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, nhà trường đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2013 trước khi tham gia đánh giá CTĐT theo AUN-QA.

CTĐT của trường được thiết kế theo CDIO (hình thành, thiết kế, thực hiện và vận hành ý tưởng) định kỳ rà soát và điều chỉnh (4 năm/lần), đồng thời triển khai đổi mới từ chuẩn đầu ra, khối lượng, nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Đội ngũ giảng viên ngày càng được trẻ hoá; số lượng giảng viên có chức danh phó giáo sư, học vị TS đã và đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, góp phần nâng cao uy tín khoa học của nhà trường.

“Chúng tôi xây dựng kế hoạch tổng thể lộ trình 5 năm (2016 - 2020) với mục tiêu 100% các CTĐT của trường sẽ được kiểm định hoặc đánh giá bởi các tổ chức đánh giá về đảm bảo chất lượng của khu vực cũng như thế giới. Trong đó, đặt ra mục tiêu mỗi năm có 3 - 4 CTĐT đánh giá theo AUN-QA, Phòng Đảm bảo chất lượng phối hợp với các khoa lập kế hoạch triển khai chi tiết, bồi dưỡng nhân sự, rà soát toàn bộ CTĐT và cơ sở vật chất” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE trao đổi.

Theo thống kê của AUN, đa phần các CTĐT, cơ sở GDĐH đạt chuẩn AUN-QA thuộc về các đơn vị công lập. Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) được xem là cơ sở GDĐH tư thục đầu tiên của Việt Nam có 2 CTĐT đạt chuẩn đánh giá AUN-QA vào tháng 4/2019 là: Công nghệ thông tin và Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử .

Theo TS Lê Phương Trường - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng LHU, để tham gia đánh giá CTĐT theo chuẩn AUN-QA nhà trường đã chuẩn bị rất nhiều. Từ cử giảng viên tham gia tập huấn để hiểu về văn hóa của AUN-QA, tham gia các hội thảo chuyên đề liên quan đến AUN-QA… đến tập huấn phương pháp xây dựng CTĐT cho các khoa; tập huấn phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá phù hợp với chuẩn đầu ra.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Đồng thời, cơ sở vật chất cũng được đầu tư để đáp ứng phù hợp với phương pháp giảng dạy hiện đại như: Phòng học trang bị máy lạnh, kết nối wifi, bàn ghế có thể di chuyển được (khi giáo viên tổ chức hoạt động nhóm), các phương tiện nghe nhìn hiện đại, trang bị máy móc phục vụ sinh viên thực tập và nghiên cứu…

Ngành học đạt chuẩn AUN-QA thay đổi ra sao?

Một điều dễ nhận thấy là, các CTĐT trước và sau khi đạt chuẩn AUN-QA có sự thay đổi rất lớn. TS Trần Tiến Khoa cho biết: Để đạt chuẩn AUN-QA, HCMIU luôn chủ động tự đánh giá và cải tiến các CTĐT theo hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của trường theo định kỳ hàng năm.

“Việc tham gia đánh giá theo AUN-QA hoặc các chuẩn uy tín khác cũng là cơ hội để chúng tôi cải tiến chất lượng từ góc nhìn bên ngoài, từ các chuyên gia. Vì thế, các CTĐT của HCMIU được cải tiến một cách toàn diện, đáp ứng được nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội” - Hiệu trưởng HCMIU chia sẻ và nhận định: “Uy tín cơ sở đào tạo đạt chuẩn kiểm định mang đến tín hiệu tích cực trong tuyển sinh, hợp tác quốc tế, cũng như thu hút giảng viên, nhà khoa học đến cộng tác, làm việc tại trường. Ngoài ra, các CTĐT đã được đánh giá/kiểm định giúp SV tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, được chuyển tiếp, liên thông trong và ngoài nước”.

Ở khía cạnh đào tạo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: CTĐT, đề cương chi tiết, phương pháp giảng dạy và đánh giá SV được rà soát kỹ lưỡng, chuẩn hóa và thống nhất cho từng giảng viên tham gia giảng dạy chương trình. Đồng thời, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì quyền tự do học thuật để thầy cô phát huy tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy nhằm tạo ra những cải tiến đột phá giúp nhà trường tiến xa và tiến nhanh hơn trong thị trường giáo dục. Bên cạnh đó, Trường ĐH ảo UTEx và Big Data Center ra đời đáp ứng yêu cầu của thời đại số.

“Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giảng viên và nhân viên hỗ trợ được rà soát, củng cố. Nhà trường có những định hướng bồi dưỡng nhân sự phù hợp nhằm chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ của nền giáo dục 4.0. Số bài báo ISI của trường tăng mỗi năm 30%, ba năm liền đoạt giải Nhất SV nghiên cứu khoa học toàn quốc, 2 năm liền đại diện cho Việt Nam vào chung kết cuộc thi sáng tạo tại Singapore. Đồng thời, chất lượng đầu ra được chú trọng, trường triển khai thực thi các biện pháp hỗ trợ nâng cao tỷ lệ SV tốt nghiệp đúng hạn và tỷ lệ có việc làm đúng ngành sau khi ra trường…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Kinh nghiệm tại LHU cho thấy, khi ngành học đạt chuẩn AUN-QA kèm theo những thay đổi lớn về phương pháp giảng dạy, từ truyền thống sang lấy người học làm trung tâm. Giảng viên không còn giữ vai trò truyền đạt kiến thức mà là hỗ trợ, tổ chức định hình việc học cho sinh viên. CTĐT thường xuyên cập nhật và điều chỉnh thông qua phản hồi của doanh nghiệp và cựu sinh viên.

TS Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực LHU nhận định: “Kết quả mà trường đạt được trong kiểm định chương trình theo chuẩn AUN-QA chính là thông điệp về chất lượng, về cam kết và hiện thực hóa các cam kết của nhà trường với xã hội. Đồng thời, với 2 chương trình đạt chuẩn AUN-QA còn mang một giá trị mở đường, khẳng định mạnh mẽ chất lượng đào tạo của GDĐH ngoài công lập, trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”. 

AUN-QA chú trọng vào chất lượng đầu ra. Chính vì vậy, từ năm 2013 nhà trường đã tiến hành đổi mới triệt để phương pháp giảng dạy, đánh giá với blended teaching, học theo dự án, learning by making... Chất lượng đầu vào ngày càng tăng cùng chất lượng đầu ra vượt trội thu hút nhiều doanh nghiệp đến trường tuyển dụng trực tiếp nên SV HCMUTE có tỷ lệ việc làm thuộc nhóm cao. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.