(GD&TĐ) - Sau 5 năm đi vào cuộc sống, phong trào thi đua xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã tạo nên gốc rễ bền vững cho các nhà trường ở Hậu Giang xây dựng văn hoá giáo dục và tạo ra cú hích mạnh mẽ thúc đẩy chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục - đào tạo.
Khởi nguồn từ "Lễ tri ân"
Mô hình "Lễ tri ân và trưởng thành" cho học sinh lớp 12 bắt đầu được khởi động và nhân rộng trên khắp địa bàn tỉnh Hậu Giang từ năm học 2008 - 2009 đã thực sự khơi nguồn cho những hoạt động giáo dục giàu ý nghĩa trong các nhà trường trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mô hình này từng được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là một mô hình tiêu biểu, mang tính nhân văn sâu sắc đối với sự nghiệp "trồng người".
Sáng tạo trong vận dụng, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng đến yêu cầu phù hợp cho từng lứa tuổi trong các hoạt động chính khoá và ngoại khoá, nhiều mô hình độc đáo khác cũng Sở GD&ĐT cho ra đời, góp phần bồi đắp tính chất "thân thiện" trong môi trường giáo dục. Để có được những ngôi trường "thân thiện" không chỉ ngành Giáo dục tích cực nỗ lực phấn đấu, mà cả các ban ngành, đoàn thể và lãnh đạo tỉnh cùng vào cuộc, huy động các nguồn lực ưu tiên cho sự phát triển của ngành Giáo dục.
Tỉnh ủy chỉ đạo các ban ngành phát động cán bộ, công chức, viên chức góp một ngày lương để xây dựng các trường MN, mẫu giáo cho những xã, phường còn "trắng". Cùng với sự "chung tay" góp sức 65 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có 12 trường MN được xây mới.
Những mục tiêu cụ thể xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực" được đặt ra để phấn đấu đã đem lại cho ngành GD một diện mạo mới với nhiều khởi sắc, đổi thay về CSVC, diện tích các nhà trường được mở rộng, không gian, cảnh quan môi trường được cải thiện. Các nhà trường dần đạt được các tiêu chí "Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn"...
Tích cực đưa văn hóa truyền thống vào trường học |
... đến "đỡ đầu học sinh", "đỡ đầu trường học"
Để thực hiện tốt chủ trương "3 đủ" của Bộ GD&ĐT và nâng lên thành "4 đủ" theo sự đòi hỏi của thực tiễn GD địa phương, ngành GD&ĐT Hậu Giang đã phát động cuộc vận động "Đỡ đầu học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học" và "Đỡ đầu trường học". Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ nhiệt tình và có sức lan toả trong xã hội. Các em HS nghèo ở Hậu Giang được hỗ trợ kịp thời không những đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở mà còn có thêm cả phương tiện đến trường.
Huyện Long Mỹ là một huyện nông thôn vùng sâu, kinh tế chậm phát triển, những năm trước tỉ lệ HS THCS bỏ học tương đương một trường (khoảng 700 HS). Tình trạng nhiều HS bỏ học suốt một thời gian dài như một thách thức đau lòng. Cuộc vận động đỡ đầu học sinh chính là một giải pháp để ngăn chặn và từng bước giảm tỉ lệ HS bỏ học từng năm, tạo điều kiện cho HS nghèo đến lớp. Những HS nghèo học yếu, HS nghèo có hoàn cảnh khó khăn, HS có học lực yếu, kém được quan tâm đỡ đầu về mặt vật chất và tinh thần, thực hiện chế độ chính sách theo diện con hộ nghèo, cận nghèo...
Năm học 2008 - 2009 đã có 1763 CB, GV, CNV tham gia đỡ đầu cho 1.764 HS với số quà tặng hơn 56 triệu đồng. Số lượng người đỡ đầu và HS được đỡ đầu không ngừng tăng lên trong những năm qua, tổng cộng sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" đã có 9.302 lượt CB, GV, CNV nhận đỡ đầu, có 9.536 lượt HS được nhận đỡ đầu và nhận gần 436 triệu đồng quà tặng hỗ trợ.
Song song với việc xây dựng, ban hành những "quy tắc ứng xử văn hoá" trong nhà trường, nhiều trường học ở Hậu Giang đã xây dựng được các tổ "Tư vấn tâm lý - GD học sinh" góp phần giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho HS. Tính "tích cực" của HS đã được đưa vào chủ đề chính từ năm học 2010 - 2011, không chỉ nhằm khuyến khích phát huy khả năng cá nhân của mỗi HS mà còn tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu trau dồi chuyên môn, nhiệt tình tâm huyết với sự nghiệp làm thầy, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT, chuẩn hoá trình độ nghề nghiệp...
Châu Lê