Bà Mỹ (80 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) hôm 20/11 nhận được điện thoại bàn của người phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài VNPT, thông báo bà nợ cước gần 9 triệu đồng ở Hà Nội. Bà lão lớn tiếng cho rằng mỗi tháng chỉ dùng cước phí 50.000 đồng nên không có chuyện đó. Cô nhân viên yêu cầu bà nói chuyện với công an để giải đáp thắc mắc.
Đầu dây bên kia, giọng người đàn ông xưng là đại úy, Công an TP Hà Nội, dò hỏi các thông tin cá nhân và gọi vào di động của bà Mỹ. Sau khi được người này hướng dẫn hỏi tổng đài xác nhận số điện thoại gọi đến là của công an, bà lão bắt đầu tin tưởng.
"Cán bộ điều tra" thông báo bà có liên quan đến đường dây buôn bán hồ sơ giả, nhóm này đã chuyển vào tài khoản của bà 10 tỷ đồng. "Tôi già rồi và trước giờ có làm ăn gì đâu mà liên quan đến họ", bà lão nói nhưng người bên kia đe dọa "sẽ bắt bà ra Hà Nội để điều tra".
Bà lão kể lại sự việc bị lừa tại cơ quan điều tra. Ảnh: Quốc Thắng. |
Cụ bà hoảng sợ, thanh minh và bị "cảnh sát" dụ nói toàn bộ thông tin tài khoản cùng số tiền gần 1,3 tỷ đồng trong đó. Người này yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của "ban chuyên án" tại ngân hàng An Bình, chi nhánh Bắc Giang. Khi xác minh, nếu đây là tiền "sạch" cảnh sát sẽ trả lại.
Sau đó, gã đàn ông buộc bà không được tiết lộ cho ai, đe dọa: "Chúng tôi đã định vị điện thoại và chỗ ở của bà. Nếu không làm theo lời sẽ có người đến bắt ngay lập tức".
Hôm sau, theo yêu cầu của "đại úy", bà Mỹ không được cúp máy trong khi đi ra ngân hàng chuyển gần 1,3 tỷ đồng.
"Mấy ngày sau, thấy tôi lo lắng, đứa con trai là công an cứ gặng hỏi. Uất ức quá tôi mới khóc, kể cho nó mới biết mình bị lừa. Không biết sao tôi lại mê muội như vậy dù cả đời chưa phạm tội", bà Mỹ nói với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM.
Cùng thời điểm, ngân hàng tại Bắc Giang làm thủ tục cho người đàn ông tên Hùng rút số tiền gần 1,3 tỷ đồng bà Mỹ gửi. Khi các nhân viên yêu cầu một số bảo mật, người này bỏ đi. Cảnh sát đã yêu cầu phong tỏa số tiền.
Tương tự, anh Tuấn (45 tuổi), trưởng phòng sản xuất của một công ty cũng nhận được cuộc điện thoại của nhóm người xưng là "cán bộ điều tra", hù dọa. Dù không hề phạm tội nhưng Tuấn vẫn sợ bị bắt, chuyển hơn 200 triệu đồng cho bọn chúng "xác minh". Vụ việc cũng kịp thời được cảnh sát ngăn chặn.
Những bị can trong đường dây lừa đảo qua điện thoại vừa bị bắt. Ảnh: Quốc Thắng. |
Ngày 25/11, Thượng tá Cao Xuân Lợi - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM - cho biết đã tiếp nhận hàng loạt trình báo của các nạn nhân bị lừa mất tiền. Trong năm 2014, cảnh sát đã bắt và khởi tố hơn 70 bị can, trong đó có 15 người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu. Sau gần một năm lắng xuống, thời gian gần đây nhóm tội phạm này tiếp tục hoạt động trở lại và nhiều người vẫn mắc bẫy.
"Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi. Nhóm này lừa đảo người miền Nam thì rút tiền ở miền Bắc và ngược lại. Các tài khoản ngân hàng dùng để rút tiền lừa đảo được làm bằng CMND giả, dán hình mới. Việc này gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác minh, truy bắt những nghi can", thượng tá Lợi nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - cho biết, để chung tay phòng chống thủ đoạn này đã yêu cầu các ngân hàng dán thông báo khuyến cáo tại tất cả quầy giao dịch, nhân viên phải chú ý đặc biệt đến các giao dịch tiền mặt, qua thẻ ATM...
Khuyến cáo của cảnh sát trước tội phạm lừa đảo qua điện thoại: 1. Cơ quan pháp luật Nhà nước Việt Nam (Công an, VKS, TAND) khi làm việc với công dân đều bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ người, tài sản... của các tổ chức hay cá nhân đều thực hiện bằng văn bản. 2. Cảnh giác với cuộc gọi thông báo nợ cước đối với thuê bao cố định (điện thoại bàn). Đó là phương thức lừa đảo của các băng tội phạm xuyên quốc gia do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu, điều hành. 3. Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, lai lịch nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ sử dụng vào việc gì. 4. Tuyệt đối không mua bán, cho mượn các giấy tờ cá nhân, tài khoản ngân hàng hay chuyển tiền cho các tài khoản nếu chưa biết họ là ai. 5. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện các cá nhân, tổ chức nào tham gia hoạt động lừa đảo; hoặc số tài khoản, giao dịch nào của mình do người khác thực hiện thì báo ngay cho cảnh sát ngăn chặn. |
* Tên nạn nhân đã thay đổi.