Chuyện bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) chăm nuôi bà Trần Thị Anh (73 tuổi, quê xã Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam) mấy tháng qua khiến những người dân sống trong con hẻm 250 đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cứ nhắc mãi.
Bà Quế với khuôn mặt phúc hậu kể rằng một năm trước tình cờ gặp đồng nghiệp cùng đi bán vé số phải trải tạm tấm vải cũ, tính ngủ qua đêm ở chợ An Cư 2 vì chủ nhà trọ không dám cho thuê phòng. Thương người cùng cảnh, bà Quế dắt bạn về ở cùng phòng trọ. "Tài sản" của bà Anh là chiếc túi đựng vài bộ áo quần. Nhưng cũng chỉ được nửa tháng, chủ trọ "đuổi khéo" hai bà cụ vì tuổi tác.
Bà Quế hàng ngày chăm sóc bà Anh trong căn nhà trọ chật hẹp. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bà Quế lại dẫn bà Anh đi tìm phòng và xin ở ghép với một thanh niên làm nghề sửa điện nước. Căn phòng chỉ rộng chừng 20 m2 càng chật hơn khi có nhiều đồ đạc. Ban ngày hai bà dắt nhau đi bán vé số, tối đến lại trải tạm chiếc chiếu để ngủ dưới nền gạch cho tiện sinh hoạt. Bà Anh cũng không chi tiêu gì nhiều, phụ mỗi tháng đôi ba trăm để bà Quế đóng tiền phòng, mua thức ăn.
Ba tháng trước, bà Anh đi bán vé số lúc chập choạng tối, không may bị xe máy tông gãy chân trái. Nghe tin, bà Quế vứt bỏ công việc, vội đưa bạn vào Bệnh viện 199 (Bộ Công an) ở gần nhà trọ cấp cứu. Vết thương quá nặng, bà Anh được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa bó bột. Bất đắc dĩ, bà Quế ngày ngày lo cơm nước, giặt áo quần, tắm rửa, thay bỉm... cho bà Anh.
"Người thanh niên gây tai nạn đến đưa một triệu đồng bồi thường, phụ chăm bà Anh được chừng một tháng rồi mất hút. Họ cũng khổ, vợ mới đẻ, mẹ phải đi bán cá ngoài biển, không may gây tai nạn. Có hôm chắc vì không có tiền, anh ta chỉ đủ mua 3 chiếc bỉm đưa vào viện để tôi thay cho bà Anh, nghĩ cũng tội", bà Quế nói.
Cuốn sổ hộ khẩu duy nhất tên bà Anh. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bà Anh giờ đã tỉnh táo hơn trước, có thể nói đôi ba câu chuyện. Bà không phải nằm dưới nền gạch nữa, bởi một nhà hảo tâm mới đem cho một chiếc nệm mỏng. Lục tìm trong túi tư trang, bà đưa ra cuốn sổ hộ khẩu chỉ ghi duy nhất tên mình. "Chồng và con tôi chết trong một trận càn của lính Mỹ. Nhà cửa bị lũ lụt cuốn trôi hết, tôi phải ra Đà Nẵng bán vé số", cụ bà thều thào kể.
Còn bà Quế nhà đông con, cuộc sống quê nghèo khiến con bà phải vào miền Nam làm ăn. Tuổi già còn chút sức lực, bà từ quê Đại Lộc (Quảng Nam) xuống Đà Nẵng ở trọ để đi bán vé số kiếm ăn qua ngày. Ngồi cạnh người bạn già, bà Quế cho biết bà Anh có vài người cháu họ hàng xa. "Khi bị tai nạn giao thông, bà Anh đưa số điện thoại để tôi gọi cho cháu, nhưng đứa cháu bảo anh em xa lắm rồi, giờ bà ấy phải tự lo", bà Quế buồn rầu kể.
Dù không có bà con gì với bà Anh, nhưng bà Quế bảo chăm sóc cho nhau vì nghĩa tình giữa người với người. Sáng, bà Quế thức dậy để kịp đi bán vé số từ 5h30, đến 7h30 thì về lại nhà trọ để cho bà Anh ăn sáng, vệ sinh cá nhân, rồi mới đi bán tiếp. Mỗi ngày hai bà cụ sống bằng tiền bán khoảng 50 tờ vé số.
Bà Quế cho biết không thấy phiền khi chăm sóc cho "đồng nghiệp", nhưng tương lai của bà Anh thì thật đáng lo. Ảnh: Nguyễn Đông. |
"Bà Anh ăn gì cũng được, có hôm ăn cơm với muối tiêu nhưng bà ấy vẫn vui", bà Quế kể và cho biết con cái biết chuyện khuyên ngăn nhưng bà gạt đi. "Bà Anh chỉ bị gãy chân thôi, đâu có bệnh tật gì mà ngại sống chung. Tôi từng động viên bả ấy về quê nhưng bà không chịu, bảo về quê sống thui thủi một mình, buồn".
Ngồi trầm ngâm, bà Quế bảo bà Anh nhiều lúc cũng ương tính. "Có hôm hỏi đi hỏi lại rồi, vừa bắt đầu ăn cơm thì bà ấy lại đòi đi đại tiện, ai mà ăn cơm cho ngon nữa. Tôi bực quá, la bà ấy. Bà ấy khóc, tôi lại thấy thương. Sau đó bà ấy đổi tính, cuộc sống cũng vui hơn", bà Quế nhắc lại.
Nằm bên cạnh, bà Anh nhoẻn miệng cười. Hai cụ dự định khi chân bà Anh đỡ đau sẽ kiếm tạm chiếc xe lăn, rồi bà Quế mỗi sáng sẽ đẩy xe đưa bà Anh ra ngoài đường Nguyễn Công Trứ tìm một chỗ trú tạm để tiếp tục bán vé số mưu sinh.
Chủ nhà trọ, bà Trần Thị Phước Hạnh, nói rằng gia cảnh của hai cụ mọi người trong dãy trọ đều biết. "Nhưng nhìn cụ Quế ngày ngày lo chăm sóc cho cụ Anh thấy mà nể phục. Cụ Quế thật tốt bụng", bà Hạnh nói và cho biết mỗi tháng đều bớt tiền thuê phòng cho hai cụ. Nhiều hôm nấu cháo, bà Hạnh lại múc một bát đưa sang cho hai bà cụ ăn.