Chiều 22/1, Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19 hội chẩn trực tuyến trường hợp nặng cụ bà 79 tuổi (BN1536, có địa chỉ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh) mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 ngày, các chuyên gia đầu ngành 3 miền Bắc- Trung- Nam hội chẩn về một bệnh nhân nặng. Trước đó, hôm 19/1, do diễn biến nặng lên vừa được hội chẩn toàn quốc lần 1.
Buổi hội chẩn kết nối điểm cầu Trung tâm quản lý Điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 do TS Vương Ánh Dương (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh) và GS.TS Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm) đồng chủ trì.
Các điểm cầu tại nhiều bệnh viện được kết nối như Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trung ương Huế, Đà Nẵng, Phổi Đà Nẵng, Bệnh nhiệt đới TP HCM, Chợ Rẫy với sự tham gia của các chuyên hàng đầu về Hồi sức cấp cứu và chống độc, Truyền nhiễm...
BS Lê Thành Phúc - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết cụ bà 79 tuổi từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1. Bệnh nhân có người nhà ở Mỹ mắc COVID-19. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, trở thành BN1536.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày. Bệnh nhân còn có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp, suy tim, thể trạng gầy.
Ngày 17/1, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhẹ, người mệt, đi cầu phân lỏng, ăn uống kém. Ngày 19/1, bệnh nhân hơi khó thở, chụp X-quang phổi có dấu hiệu mờ. Với đề nghị của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19 tổ chức hội chẩn trực tuyến ca bệnh này trưa ngày 19/1.
Sau hội chẩn, Sở Y tế Đà Nẵng đã điều động 2 bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực từ Bệnh viện Đà Nẵng sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ điều trị ca bệnh.
BS Phúc cho hay đến 9h ngày 21/1, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm mạc hồng; tim không đều, gắng sức nhẹ; 20h cùng ngày, bệnh nhân tỉnh, thở gắng sức nhiều hơn, được đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo. Đến 13h ngày 22/1, bệnh nhân nằm yên dưới an thần, giãn cơ, siêu âm phổi cho kết quả đông đặc 2 đáy; XQuang phổi chủ yếu tổn thương 2 đáy.
Đến trước giờ hội chẩn toàn quốc chiều 22/1, bệnh nhân được nuôi ăn qua sonde, lọc máu liên tục, duy trì thuốc chống đông.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim; biến chứng rối loạn nhịp, rối loạn đông máu.
Tại buổi hội chẩn, ngoài xin ý kiến của các chuyên gia về phương án điều trị tiếp theo, các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã xin ý kiến về việc chỉ định can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) trong tình trạng bệnh nhân có diễn biến nặng hơn. Đồng thời cũng cho biết, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã sẵn sàng chuẩn bị máy và nhân lực để can thiệp ECMO cho bệnh nhân khi cần.
Từ điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Nguyễn Gia Bình đánh giá cao nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng trong điều trị ca bệnh này. Tuy nhiên diễn biến dấu hiệu của bệnh nhân tiên lượng còn nặng.
Theo các chuyên gia, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cần cố gắng tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân, hạn chế suy kiệt; phòng ngừa loét do nằm lâu, bệnh lý tá tràng do stress; đồng thời bổ sung thêm kháng sinh, dùng 2 loại kết hợp; duy trì lọc máu liên tục.
Thông tin từ TS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, ngoài 2 bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng đã được điều động sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ can thiệp ECMO, Sở Y tế Đà Nẵng vừa có quyết định điều thêm 4 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức tích cực sang hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị bệnh nhân.