Trong khi đó, chính quyền tại Mexico phải in thêm hàng triệu giấy chứng tử và nghĩa trang tại Indonesia đang bị quá tải do số người chết vì dịch không ngừng tăng.
Việc quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ ghi nhận tới hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày khiến nước này nổi lên như một ổ dịch đáng lo ngại nhất toàn cầu. Quốc gia Nam Á này cũng vừa chính thức thay thế Brazil trở thành nước có số người mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới với 4,2 triệu ca. Với tốc độ như hiện nay, các chuyên gia dự báo việc Ấn Độ vượt qua Mỹ (6,27 triệu ca nhiễm) chỉ còn là thời gian.
Đặc biệt, tỷ lệ ca tử vong vì dịch ở Ấn Độ đang có dấu hiệu tăng cao so với giai đoạn trước, một dấu hiệu cho thấy mức độ nguy hiểm đã thay đổi của chủng virus nCov tại đây. Trong thời gian tới, số ca nhiễm mới và tử vong tại Ấn Độ sẽ khó suy giảm vì nước này đã gần như cho mở cửa lại hoàn toàn hoạt động kinh tế xã hội. Hệ thống tàu điện ngầm tại các thành phố lớn cũng mới hoạt động trở lại sau gần 6 tháng tạm dừng để phòng virus lây lan.
Trong khi đó tại Mexico, dù số người mắc Covid-19 tính đến ngày 7/9 là 630.000 và thấp hơn nhiều so với Ấn Độ nhưng số tử vong lại đứng thứ 4 thế giới với 67.000 (số tử vong tại Ấn Độ là gần 72.000 người). Theo giới chức y tế Mexico, chính tỷ lệ tử vong vì đại dịch quá cao đã dẫn đến tình trạng nhiều bang của Mexico bị thiếu giấy chứng tử.
Tình hình dịch bệnh tại quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới là Indonesia cũng bi đát không kém Ấn Độ và Mexico. Nghĩa trang đặc biệt Pondok Ranggon mở hồi tháng 3 vừa qua ở phía Đông thủ đô Jakarta, chuyên phục vụ chôn cất các nạn nhân Covid-19 đang rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức địa phương dự báo nghĩa trang này sẽ phải đóng cửa vì hết đất chôn vào tháng sau.
Tại châu Âu, khi cuộc sống gần như đã trở lại bình thường cũng là lúc các chuyên gia cảnh báo về làn sóng thứ hai của Covid-19 có khả năng khiến châu lục này phải vật lộn như trong làn sóng đầu tiên hồi tháng 3. Kịch bản đáng lo ngại này được dựa trên số liệu các ca nhiễm mới đang tăng cao trở lại, đặc biệt vào thời điểm châu Âu đang bước vào giai đoạn thời tiết thích hợp cho sự phát triển các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp trên quy mô toàn cầu giữa bối cảnh hầu hết các nước đã phải cho mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế xã hội, do không còn nguồn lực để có thể tiếp tục duy trì phong tỏa chống dịch như trước.
Đã xuất hiện những điểm sáng đầy hy vọng trên bản đồ đại dịch như một số vắc-xin ngừa Covid-19 do Nga và Mỹ nghiên cứu đang chuẩn bị đưa vào sử dụng đại trà, nhưng nhìn chung thế giới vẫn đang vật lộn với Covid-19. Những gì đang xảy ra tại Ấn Độ, Mexico và Indonesia nhắc nhở về mức độ tàn khốc của đại dịch này. Các kịch bản xấu nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu được dự đoán vẫn còn chưa đến.