Covid-19 soi chiếu thái độ, hành vi cư xử

Covid-19 soi chiếu thái độ, hành vi cư xử

Từ những sự đổ vỡ …

Trong tâm điểm của đại dịch, hơn lúc nào hết, nhân cách, hành vi và thái độ cư xử của con người được soi chiếu một cách hết sức rõ ràng. Thái độ ứng xử của những bệnh nhân số 17, 34, 178… thể hiện một tâm thế sống thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội … và thậm chí, đó là sự biểu hiện cho một thứ tính cách gian dối, ích kỉ, rất đáng lên án. 

Thêm vào đó, những hành vi tự khoe mẽ và bày cách cho những người khác qua mặt những lực lượng kiểm tra ở sân bay cho đến việc đánh tráo người khác đi cách li thay mình… thực chất là sự thiếu hụt trầm trọng các nền tảng văn hóa đạo đức cần có của một con người; mất dần tính xấu hổ - đức tính cần có để trở thành một người tử tế. 

Cứ như thế, dịch covid 19 đã làm cho nhiều người có lương tri và trách nhiệm nhiều lúc không khỏi hoang mang, đổ vỡ niềm tin về những vỉa tầng giá trị văn hóa trong dòng chảy hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc. 

Đến niềm tin bền vững ….

Nhưng hơn hết, trong đại dịch covid 19, người ta vẫn thấy trân trọng và tràn đầy niềm tin vào những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong khi cả thế giới đang chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt hệ thống y tế tiên tiến và hiện đại bậc nhất; sự khủng hoảng của những hệ thống chính trị đã từng biết bao lần làm chao đảo chính trường thế giới, người ta thấy một dân tộc với nền kinh tế còn nhiều yếu kém vẫn điềm tĩnh, tự tin, kiến quyết, đúng đắn và vững vàng trong những quyết sách và hành động. 

Dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững và đang bước những bước tiến vững chắc trên hành trình chặn đứng sự lây lan của đại dịch đang làm cho cả thế giới phải kinh sợ. Chả có dân tộc nào có những cháu bé 7 – 8 tuổi sẵn sàng đập vỡ chú lợn tiết kiệm để ủng hộ chống dịch; có bà mẹ nào hơn trăm tuổi vẫn miệt mài may khẩu trang ủng hộ cho cộng đồng? có quân đội nào nhường doanh trại khang trang cho người dân còn mình thì vào rừng lập lán trại? có đất nước nào sẵn sàng tổ chức những chuyến bay vào tâm dịch để đón đồng bào mình về nước? …

Hơn lúc nào hết, người ta nhận thấy, căn cốt văn hóa Việt vẫn được giữ vững trước thiên tai, dịch họa. Tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào ruột thịt… và hơn hết là niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vẫn bền vững. Tất cả đã góp phần tạo nên một bản sắc Việt, một cốt cách Việt Nam trong văn hóa mà nhiều quốc gia nào trên thế giới phải bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục. 

Và những lỗ hổng cần phải vá …

Trong tâm điểm của đại dịch Covid 19, những thái độ, hành vi cư xử của một bộ phận người dân (đặc biệt là giới trẻ) đã và đang cho thấy những lỗ hổng trong giáo dục nhân cách, đạo đức con người trong nhà trường. 

Sự thiếu trung thực trong khai báo là một hành vi đáng phê phán, lên án vì sự vô trách nhiệm với cộng đồng nhưng có thể, hành động ấy còn xuất phát từ nỗi sợ hãi bởi thái độ kì thị, phân biệt đối xử của những người xung quanh (điều không hiếm trong những tháng ngày vừa qua của đại dịch Covid 19 tại Việt Nam). 

Điều ấy chứng tỏ, việc giáo dục để hình thành cho giới trẻ những đức tính cần thiết: thái độ trung thực, không gian dối, tinh thần trách nhiệm, sự không phân biệt đối xử với người khác (dù họ có là ai) … vẫn còn vô số việc phải làm. 

Giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường có lẽ mới chỉ dừng lại ở những sự rao giảng một chiều, những bài học giáo điều sách vở… hay cao hơn có thể là những tiểu phẩm thu hút học trò (hiệu quả giáo dục còn mơ hồ), những tấm gương đạo đức (cũng trở thành một kiểu trói buộc phải học theo) …

Chúng ta còn thiếu hơi thở của thực tế xã hội trong những bài giảng. Giới trẻ cần được làm nhiều hơn, được đi nhiều hơn để chứng kiến những cảnh đời, những thân phận người… để từ đó điều chỉnh hành vi, tính cách và tâm thế sống. Những cuộc hành hương về nguồn, những học kì quân đội là hết sức cần thiết nhưng nó mới chỉ bắt nguồn từ việc hình thành lí tưởng (một điều còn khá trừu tượng và xa xôi trong tâm trí học trò)...

Đại dịch Covid 19, vô hình chung đã đặt ra nhiều câu hỏi cần phải giải đáp trong hành trình hình thành nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, song với nền tảng là cốt cách văn hóa Việt được hình thành trong hàng nghìn năm lịch sử, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, con người Việt Nam, giới trẻ Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch để vững vàng bước tiếp những bước vững chắc trong thế kỉ 21 đầy niềm tin, hi vọng trong tâm thế của người chiến thắng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.