Chiều 12/2, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cho biết, sau nhiều giờ đối thoại và thuyết phục, Công ty TNHH Viet Glory đã đồng ý tăng lương cho toàn bộ người lao động.
Theo đó, vào chiều 12/2, Đoàn công tác của UBND huyện Diễn Châu, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Diễn Châu và LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã trực tiếp làm việc, đàm phán với Ban Giám đốc Công ty Viet Glory về 2 vấn đề mà công nhân quan tâm là nâng lương cơ bản và phụ cấp thâm niên.
Cơ quan chức năng đã lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn của đơn vị như do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả nguyên liệu, chi phí sản xuất, chi phí vận hành, chi phí quản lý tăng, doanh nghiệp mới hoạt động, lợi nhuận còn thấp...
Tuy nhiên, Đoàn công tác cũng trao đổi, rà soát mặt bằng lương và chế độ chính sách, thu nhập của người lao động cùng địa bàn để làm cơ sở xem xét, đề nghị đơn vị cân nhắc, nhằm đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của người lao động. Giúp cho ngươi lao động yên tâm làm việc, đồng thời doanh nghiệp sớm ổn định đi vào sản xuất kinh doanh.
Sau quá trình làm việc, đến chiều cùng ngày, Ban giám đốc Công ty Viet Glory đã đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho toàn bộ cán bộ công nhân viên kể từ ngày 1/2. Tương đương với số tiền tăng là 184.200 đồng/tháng.
Công ty này đề nghị toàn bộ công nhân quay trở về làm việc, bắt đầu từ sáng 14/2. Trong thời gian công nhân đình công (từ ngày 7 đến ngày 12/2), công ty sẽ tính theo chế độ nghỉ phép xưởng.
Từ 14/2, những công nhân nào không đến làm việc quá 5 ngày công ty sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật lao động hiện hành.
Trước đó, vào trưa 7/2, toàn bộ công nhân của Công ty Viet Glory đã không vào làm việc mà tập trung bên ngoài nhà máy để đòi quyền lợi như: tăng lương cơ bản, thêm chế độ thâm niên; phản đối quy định phải có mặt tại nhà máy trước 10 phút khi tới giờ làm việc.
Ngoài ra, nhiều công nhân đề nghị công ty thanh toán tiền hỗ trợ Covid-19 theo quy định; tăng số lượng công nhân được hưởng chế độ độc hại, nặng nhọc...
Ngay sau đó, UBND huyện Diễn Châu đã thành lập đoàn công tác, phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện, tỉnh đến kiểm tra các chế độ chính sách mà công nhân kiến nghị, đồng thời đối thoại với các bên để tìm tiếng nói chung.
Sau nhiều cuộc đối thoại, doanh nghiệp cơ bản đồng ý các kiến nghị của người lao động. Cụ thể, công ty này đồng ý các đề xuất như không bắt buộc công nhân phải có mặt tại trước giờ làm việc 10 phút; F0 khi khỏi bệnh được đi làm bình thường; tiền hỗ trợ Covid-19 sẽ được giải quyết sớm; điều chỉnh lời nói, hành động của cán bộ trong công ty theo đúng chuẩn mực giao tiếp.
Bổ sung phụ cấp thâm niên cho người lao động, kể từ tháng 2/2022. Quy định về phụ cấp thâm niên áp dụng đối với công nhân vào làm việc tại công ty từ một năm trở lên. Mức thưởng thâm niên hàng tháng là 30.000 đồng/một năm làm việc. Từ năm làm việc thứ 7 trở lên áp dụng mức 210.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, công ty sẽ xem xét tăng một số chế độ như: trợ cấp xăng xe mỗi tháng từ 200.000 đồng lên 260.000 đồng; trợ cấp tiền ăn từ 18.000 đồng mỗi bữa lên 20.000 đồng...
Ông Chang Shih Yueh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Viet Glory cho biết, trong những ngày qua, khi công nhân ngừng làm việc tập thể đã khiến công ty phải trả lại các đơn hàng mới nhận về. Một đơn hàng hiện phải chuyển sang công ty khác sản xuất.
“Công ty sẽ cố gắng làm sao để hai bên có tiếng nói chung, thống nhất nhất định. Khi sự việc đình công xảy ra thì phía công ty hay công nhân cũng đều thiệt hại", ông Chang Shih Yueh nói.
Được biết, tổng thu nhập trung bình của công nhân tại nhà máy Viet Glory (bao gồm lương, tăng ca và phụ cấp) mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty có thưởng tết lương tháng 13, Công đoàn có suất quà trị giá 300.000 đồng.