Công ty cổ phần thiết kế và đào tạo Phương Nam (Công ty Phương Nam)- đơn vị được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch(VH-TTDL) cấp phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018, nhưng bị "gạt" ra khỏi Ban tổ chức cuộc thi.
Trước hàng loạt vấn đề không minh bạch của cuộc thi người đẹp này, đồng thời để ngăn chặn những hậu quả do các đối tượng “giả danh” Công ty Phương Nam đang đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018, ngày 9/4, Đại hội đồng cổ đông Công ty này đã họp và ra Nghị quyết dừng cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018, yêu cầu Bộ VH-TTDL hủy giấy phép cuộc thi đã cấp cho Công ty.
Nghị quyết dừng cuộc thi của Đại hội đồng cổ đông công ty Phương Nam |
Những sai phạm nghiêm trọng của cuộc thi Hoa hậu
Trước khi đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 diễn ra, Công ty Phương Nam đã gửi đơn kêu cứu tới Báo Giáo dục và Thời đại đề nghị phản ánh thông tin về việc : “Yêu cầu dừng cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018; bảo về quyền lợi cho đơn vị tổ chức”.
Trong đơn kêu cứu, Công ty Phương Nam đã phản ánh rất rõ về việc công ty này đã bị “chiếm đoạt” quyền tổ chức cuộc thi, bởi sự “bắt tay” giữa công ty Cổ phần Truyền thông Đa Phong Cách (đơn vị được Phương Nam mời hợp tác) và ông Lý Minh Tuấn (nguyên là giám đốc của Công ty Phương Nam đã bị cách chức).
Trước sự phản ánh của bạn đọc, Báo Giáo dục & Thời đại đã tìm hiểu, xác minh thông tin trong đơn của Công ty Phương Nam, đồng thời đã liên hệ với Bộ VH-TTDL để làm rõ nội dung trong đơn.
Sau khi cơ quan này tiếp nhận thông tin, cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả kiểm tra, thanh tra nào của Bộ VH-TTDL về những phản ánh của Báo Giáo dục & Thời đại.
Vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu năm 2018 vẫn diễn ra, và cũng từ đó đã xuất hiện hàng loạt vấn đề sai phạm đã được Báo Giáo dục & Thời đại chỉ ra.
Điển hình không thể che dấu được là việc nhà tài trợ cũng chính là thành viên ban giám khảo cuộc thi. Cụ thể là việc bác sĩ Nguyễn Đức Tuyên – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn y dược Phương Anh đã đại diện cho công ty này ký hợp đồng tài trợ cho chương trình với số tiền 1,5 tỉ đồng. Nhưng trong cuộc thi, chính nhà tài trợ này lại ngồi ở vị trí giám khảo cuộc thi (?).
Việc nhà tài trợ được ngồi làm thành viên ban giám khảo là vi phạm nghiêm trọng khoản 3, điều 8, Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL. Điều này cho thấy, quy định pháp lý của cuộc thi hoa hậu đã bị các đối tượng tổ chức cuộc thi cùng những người bỏ tiền tài trợ chà đạp một cách thô bạo tới mức coi thường cả luật pháp.
Cũng theo phản ánh của Công ty Phương Nam, đã có hàng chục thí sinh tham dự đêm Bán kết mà chưa hề qua sơ tuyển tại Công ty như quy định trong thể lệ của cuộc thi. Vậy nhưng Công ty Đa Phong Cách cùng ông Giám đốc bị “truất quyền” Lý Minh Tuấn đã “hóa phép” cho số thí sinh này lọt được vào đêm thi bán kết.
Theo bài báo “Chiêm ngưỡng nhan sắc 40 thí sinh vào đêm chung kết Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018” đăng tải ngày 06/04/2018, trên Báo Điện tử VTV News có thí sinh Phạm Thị L.A có các thông tin: “sinh năm 1991, cao 1m72, số đo 3 vòng: 84-60-90”.
Ảnh: Báo điện tử VTV News |
Chiếu theo thể lệ cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 do Ban tổ chức cuộc thi đề ra, thí sinh dự thi có độ tuổi từ 18 tuổi đến 26 tuổi (tính theo ngày, tháng, năm của giấy Chứng minh thư nhân dân hoặc Hộ chiếu đang còn thời hạn). Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 01/01/2018.
Tính theo năm sinh của thí sinh Phạm Thị L.A mà Báo Điện tử VTV News đăng tải là năm 1991, thì đã có dấu hiệu thí sinh này vi phạm thể lệ cuộc thi. Bởi nếu tính đến năm 2018 thì thí sinh này đang bước sang tuổi 27. Và nếu căn cứ vào những thông tin mà Báo Điện tử VTV News nêu thì kết quả của đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu 2018 lại đang vi phạm quy định của Ban tổ chức.
Chưa hết, mới đây chúng tôi đã nhận được văn bản số 1701/QĐ – BTC ký ngày 17/01/2018, theo đó ông Lý Minh Tuấn - nguyên là giám đốc công ty công ty Cổ phần Thiết kế và Đào tạo Phương Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo cuộc thi “Hoa hậu biển Việt Nam toàn cầu 2018”. Theo đó, quyết định này đãđược ông Lý Minh Tuấn bổ nhiệm Ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch Tỉnh Kiên Giang làm Trưởng ban; Ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Sở Du lịch Tỉnh Kiên Giang làm Phó ban (xem ảnh).
Quyết định bổ nhiệm thành viên ban chỉ đạo cuộc thi của ông Lý Minh Tuấn |
Bản quyết định nêu trên đã khiến dư luận không khỏi bất ngờ về tính pháp lý của văn bản cũng như tính pháp lý của cuộc thi, khi mà một ông giám đốc một doanh nghiệp đã tự ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, rồi bổ nhiệm giao nhiệm vụ cho từ Phó chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc sở Du lịch tỉnh Kiên Giang để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc chính Ban tổ chức cuộc thi mà ông Tuấn là Trưởng ban căn cứ theo văn bản Số: 04/QĐ-PN 2017.
Nghị quyết dừng cuộc thi của Công ty Phương Nam
Mặc dù Công ty Phương Nam đã kêu cứu lên Cục Biểu diễn Nghệ thuật, Bộ VH-TTDL, nhưng cho đến nay phía cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra hướng xử lý, cũng như câu trả lời thỏa đáng nào cho công ty về cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018.
Trước hàng loạt sai phạm cùng những “uẩn khúc” bất thường nêu trên, rõ ràng cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018 đang được các đối tượng “đội lốt” Công ty Phương Nam thực hiện cuộc thi theo giấy phép do Bộ VH-TTDL cấp cho Công ty Phương Nam.
Trước ý kiến của dư luận cho rằng, cuộc thi vẫn đang tiếp tục bước vào đêm thi chung kết khi mà những sai phạm vẫn chưa được giải quyết, và hậu quả mọi sai trái sẽ “dồn” lên đơn vị được cấp phép, ngày 9/4 Công ty Phương Nam đã họp khẩn cấp Đại hội đồng cổ đông và đưa ra nghị quyết số 02/NQ-HĐCĐ, về việc dừng Cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu năm 2018.
Nội dung biên bản của đại hội cổ đông đã nêu rõ: “Trong quá trình điều hành của ông Lý Minh Tuấn, giám đốc công ty cổ phần thiết kế và đào tạo Phương Nam cấu kết với Công ty cổ phần Truyền thông Đa phong cách đã cố tình gạt bỏ sự hiện diện của đơn vị tổ chức, tự in và bán vé vào cửa, tự kí Hợp đồng và thu tiền tài trợ của các đơn vị tài trợ chương trình mà không thông qua Hội đồng quản trị. Để ngăn chặn hậu quả sau này Đại Hội đồng quản trị họp và ra Nghị quyết dừng cuộc thi…”
Công ty Phương Nam cũng đã làm văn bản đề nghị dừng cuộc thi kèm Nghị quyết số 02/NQ-HĐCĐ, gửi lên Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ ngày 12/4. Điều đó cũng có nghĩa rằng, đơn vị được cấp phép đã dừng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018, còn việc cuộc thi tiếp tục được tổ chức sẽ không còn giá trị pháp lý.
Trước những sai phạm xảy ra trong cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018, và văn bản đề nghị dừng Cuộc thi của Công ty Phương Nam – đơn vị được Bộ VH-TTDL cấp phép tổ chức - thì Bộ VH-TTDL và Cục Nghệ thuật Biểu diễn có cho dừng cuộc thi không còn tính pháp lý và đầy sai phạm như đã nêu ?
Báo Giáo dục & Thời đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.