Số hóa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng
Thực hiện chương trình Chuyển đổi số, Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu) đã tập trung triển khai, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Qua đó, đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho Ngành điện và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc PC Lai Châu cho biết: “Công ty đã cung cấp cho khách hàng các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến giúp thuận tiện trong giao dịch dịch vụ điện. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng và tăng cường ứng dụng, khai thác hiệu quả đo xa”.
Nhằm nâng cao năng lực quản trị cũng như thuận tiện cho khách hàng theo dõi, tra cứu thông tin trên nền tảng số, PC Lai Châu đã tập trung số hóa hồ sơ dữ liệu. Đến nay, Công ty đã hoàn thành số hóa 100% hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, chuẩn hóa thông tin khách hàng trên phần mềm và ngoài hiện trường.
Triển khai hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng, PC Lai Châu đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho 100% khách hàng. Qua đó, tạo sự minh bạch và tiện ích, nâng cao chất lượng điện năng.
Nhằm tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc thanh toán và các dịch vụ điện, PC Lai Châu đã ký kết hợp tác với 4 ngân hàng trên địa bàn tỉnh cùng một số đối tác tổ chức trung gian khác. Trong đó, PC Lai Châu và Agribank tỉnh Lai Châu tiếp tục ký thỏa thuận phát hành thẻ thấu chi thanh toán tiền điện, dịch vụ điện và đang tiếp tục hợp tác với VNPT, Viettel triển khai dịch vụ Mobile money.
Tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ khách hàng sử dụng điện, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt 70,85% và đạt 102,86% so với kế hoạch giao năm 2022
Bên cạnh đó, PC Lai Châu đã ứng dụng công nghệ trong công tác dịch vụ khách hàng, mở rộng dịch vụ tiện ích qua các kênh gián tiếp như: Trích nợ tự động, thực hiện thu tiền và chấm nợ online 100% khách hàng sử dụng điện; nhắn tin cho khách hàng qua ứng dụng Zalo; kết nối đến Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tương tác với khách hàng qua mạng xã hội.
Đồng thời, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng giao dịch trực tuyến qua Website, app, tổng đài chăm sóc khách hàng và Trung tâm hành chính công tỉnh. Tại các quầy giao dịch khách hàng từ Công ty đến các đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống máy tính bàn trải nghiệm để khách hàng có thể tự sử dụng, trải nghiệm các dịch vụ điện trực tuyến...
Công nhân Điện lực Than Uyên lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng. |
Với hơn 16 nghìn khách hàng, Điện lực Than Uyên đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn. Qua đó, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện, Điện lực đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Từ đó khẳng định uy tín của đơn vị cung cấp điện trên địa bàn huyện Than Uyên” – ông Nguyễn Xuân Thuần, Giám đốc Điện lực Than Uyên chia sẻ.
Điểm nhấn đầu tiên để nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh bán điện, đồng thời đảm bảo quyền giám sát của khách hàng sử dụng điện là Điện lực Than Uyên đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa. Đồng thời, quản lý hệ thống thu thập dữ liệu từ xa tự động.
Đến thời điểm hiện tại, Điện lực Than Uyên có 100% khách hàng được trang bị công tơ điện tử có chức năng đo xa. Bên cạnh đó, Điện lực Than Uyên cũng đã tập trung ứng dụng công nghệ trong cung cấp các dịch vụ điện, đơn giản hóa việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ điện của khách hàng. Đơn vị cũng đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và số hóa 100% hợp đồng mua bán điện từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử.
Nâng cao hiệu quả quản trị điều hành và kỹ thuật vận hành
Bên cạnh việc số hóa trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng, PC Lai Châu đã ứng dụng chuyển đổi số vào quản trị điều hành và kỹ thuật vận hành.
Theo đó, PC Lai Châu đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển xa (TTĐKX). Đến nay, 100% các TBA 110kV đều điều khiển xa không người trực. Đơn vị cũng hoàn thành lắp đặt, kết nối, điều khiển từ xa toàn bộ các máy cắt Recloser, cầu dao phụ tải LBS trên lưới điện…tại TTĐKX thông qua phần mềm SP5.
Cán bộ Điện lực Mường Tè ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. |
“Việc đưa vào vận hành TTĐKX giúp các điều độ viên phát hiện sự cố kịp thời, chính xác vị trí bị sự cố để điều hành xử lý kịp thời. Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống SCADA, nhân viên trực vận hành có thể kiểm soát được chính xác các thông số kỹ thuật vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất, để điều hành lưới điện vận hành an toàn, liên tục và ổn định” – ông Hoàng Quang Trung – Phó Giám đốc PC Lai Châu nói.
PC Lai Châu cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành hệ thống lưới điện thông minh DMS với 6 mạch vòng. Qua đó, giúp nâng cao năng lực điều hành lưới điện, góp phần giảm thiểu tối đa thời gian mất điện, số lượng khách hàng mất điện khi có sự cố.
Đối với các TBA phân phối, PC Lai Châu triển khai áp dụng tủ hạ thế thông minh cho khu vực thành phố nhằm theo dõi, giám sát, quản lý, điểu khiển từ xa. Đồng thời, triển khai ứng dụng và khai thác hiệu quả các thiết bị Flycam, Camera nhiệt, thiết bị đo PD trong quản lý vận hành hệ thống điện. Đưa vào vận hành thiết bị kiểm tra CSV Online nhằm mục tiêu sớm phát hiện các bộ chống sét van có nguy cơ sự cố mà không cần cắt điện để kiểm tra.
Công nhân Đội QLVH lưới điện cao thế kiểm tra TBA bằng camera nhiệt. |
Ông Nguyễn Hữu Cường – Điều độ viên TTĐKX cho biết: “Thông qua các phần mềm, điều độ viên sẽ nắm bắt được toàn bộ thông số vận hành các tín hiệu đưa về TTĐKX để điều hành lưới điện. Trường hợp xảy ra sự cố, người trực ca sẽ thực hiện thao tác, điều khiển xa để cô lập và đưa ra giải pháp xử lý nhanh sự cố. Đồng thời, cấp điện trở lại cho các phụ tải nằm ngoài vùng sự cố”.
PC Lai Châu đã và đang đưa vào khai thác vận hành hiệu quả trên 40 phần mềm, ứng dụng dùng chung của EVN, EVNNPC trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và một số phần mềm của PC Lai Châu. Qua đó, đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến làm tiền đề cho tiến trình Chuyển đổi số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, PC Lai Châu đã và đang triển khai hiệu quả ứng dụng văn phòng điện tử, 100% văn bản đi, đến nội bộ được ký số và xử lý trên môi trường điện tử.