Công thức quyết định
Tính từ 18 giờ 30 phút ngày 9/8 đến 6 giờ ngày 10/8, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.149 ca nhiễm mới. Trong đó, có 5 ca nhập cảnh và 5.144 ca ghi nhận trong nước. Tính đến sáng 10/8, Việt Nam có 224.894 ca nhiễm. Trong đó, có 2.367 ca nhập cảnh và 222.527 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay là 220.957 ca. Trong đó, có 73.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Ngoài ra, 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn bao gồm: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Chia sẻ về biện pháp khống chế dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: “Giãn cách xã hội là biện pháp cuối cùng để khống chế bệnh dịch không lây lan. Vậy, thực hiện nghiêm để hết giãn cách là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ phụ thuộc vào các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, bệnh viện mà phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi chúng ta”.
Cũng theo PGS Nhung, “5K + vắc-xin” là công thức quyết định. Chuyên gia nhấn mạnh, cái đích cần hướng đến là phủ rộng vắc-xin càng nhanh càng tốt.
“Vậy xã hội hóa tiếp cận hay miễn phí toàn dân, một nguồn cung ứng hay đa nguồn cung ứng chỉ là phương tiện thôi. Ta không được nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Tương tự như vậy với xã hội hóa tiếp cận xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cũng nên sẵn có ở các nhà thuốc” - PGS Nhung đề xuất.
Chiến lược phụ thuộc giai đoạn dịch
Trong khi đó, nhóm 5F nhận định, đợt dịch thứ 4 bao gồm nhiều ổ dịch, tại nhiều địa phương, xuất hiện ở những nơi đông người như khu công nghiệp, khu xóm nghèo với mật độ dân cao và tại các bệnh viện. 5F gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, xã hội học, dược sĩ, chuyên gia y tế công cộng, công nghệ thông tin, truyền thông. Nhóm tập hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19.
Theo nhóm 5F, giải pháp cần đưa ra trong làn sóng Covid-19 thứ tư là phối hợp các chiến lược xét nghiệm, giãn cách xã hội, tiêm vắc-xin hợp lý theo từng giai đoạn dịch. Xét nghiệm sàng lọc định kỳ tất cả cán bộ y tế, bệnh nhân ho sốt tới bệnh viện công/ phòng khám tư/ nhà thuốc để phát hiện sớm ổ dịch.
“Giãn cách toàn quốc để giảm lây lan dịch, tạo cơ hội dồn lực cho miền Nam. Việc giãn cách sớm TP Hà Nội chắc chắn sẽ có tác dụng làm giảm tốc độ lây lan, nhưng khi thành công, thành phố vẫn đối mặt với nguy cơ bị tái lây lan từ địa phương khác nếu các địa phương này không giãn cách. Việc giãn cách giai đoạn này sẽ trở nên lãng phí”, nhóm chuyên gia cảnh báo.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cho kịch bản xấu trên toàn quốc từ bài học của TPHCM.
Đồng thời, sử dụng kit xét nghiệm chuẩn quốc tế. Mua các hệ thống máy xử lý tự động và xét nghiệm nhiều mẫu cùng lúc. Thay đổi phương thức lấy mẫu để cho phép người dân tiếp cận với xét nghiệm dễ dàng hơn mà không gây quá tải cho nhân lực lấy mẫu. (Tự lấy mẫu, lấy mẫu tại hiệu thuốc, phòng khám tư, cơ quan…).
Ngoài ra, nhóm 5F khuyến nghị xây dựng chiến lược xét nghiệm theo từng giai đoạn dịch. Song song với đó là phân loại ca bệnh nguy cơ nặng dựa trên tiêu chí tuổi, bệnh nền, SpO2.
Nhóm chuyên gia cũng khuyến cáo thiết lập lại hệ thống y tế với tiêu chí sớm phát hiện ca bệnh nặng ở cộng đồng. Từ đó, điều trị sớm để giảm tỷ lệ nặng/ tử vong. Vì vậy, chỉ nên có 3 tầng chăm sóc y tế. Cụ thể, tầng 1 là tại cộng đồng. Tầng 2 tại bệnh viện dã chiến/ bệnh viện quận. Tiếp theo là tầng 3 - bệnh viện tầng 5 hiện nay, nhằm điều trị các ca bệnh nghiêm trọng.
Về việc tiêm vắc-xin, theo nhóm 5F, nên đơn giản hóa quy trình sàng lọc. Ngoài ra, tại các vùng dịch bùng phát, cần tiêm cuốn chiếu, phủ toàn dân. Trong khi đó, tại các vùng dịch chưa bùng phát, nên tiêm ưu tiên cho 16 nhóm, nhưng cần chuyển nhóm người cao tuổi thành ưu tiên số 2 để giảm tử vong.