(GD&TĐ) - Vắc xin Quinvaxem bị tạm ngừng do nghi ngờ gây ra các phản ứng nặng sau tiêm, sử dụng vắc xin hết “date” hay “ăn bớt” vắc xin, đặc biệt là vụ 4 cháu nhỏ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B như giọt nước tràn ly khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về chất lượng vắc xin, quy trình tiêm chủng. Vẫn biết không có vắc xin nào an toàn 100% nhưng với những sự việc đã xảy ra cho thấy, công tác tiêm chủng còn quá nhiều khe hở.
Nhiều sai phạm
Sau khi xảy ra tai biến khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Khe Sanh (Quảng Trị), Bộ Y tế đã kiểm tra công tác bảo quản vắc xin và quy trình tiêm chủng. Kết quả phát hiện hàng loạt sai phạm trong quy trình tiêm chủng. Đó là vắc xin viêm gan B bảo quản lẫn với sinh phẩm y tế khác; không tiêm cho trẻ tại phòng tiêm chủng và tiêm tại phòng bệnh. Đặc biệt là vắc xin tiêm cho trẻ không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong thời gian 2h30 phút do thị trấn Khe Sanh mất điện, trong đó có bệnh viện đa khoa Hướng Hóa.
Theo GSTS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, tất cả vắc xin đều bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Do vậy, việc bảo quản vắc xin là câu hỏi lớn bởi mất điện là việc xảy ra thường xuyên ở các địa phương với thời gian từ 1 giờ tới vài ngày. Vậy việc bảo quản vắc xin sẽ thực hiện như thế nào (cho vào phích lạnh, chạy máy phát điện) phụ thuộc cả vào y đức của lãnh đạo bệnh viện và nhân viên y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế phải tư vấn cho gia đình, người được tiêm chủng những tác dụng, lợi ích và cả rủi ro gặp phải khi tiêm chủng. Sau đó là kiểm tra nhiệt độ, hỏi tiểu sử, kiểm tra vắc xin… trước khi tiêm, khám sàng lọc sức khỏe của người được tiêm.
Tuy nhiên, quy trình trên chỉ được thực hiện tại các điểm tiêm dịch vụ còn tại các phòng tiêm chủng trong chương trình, những quy định này dường như bị bỏ qua. Bên cạnh đó, theo quy định, phải ở lại theo dõi 30 phút sau tiêm nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều không tuân thủ. Nhân viên y tế cũng chẳng có thời gian để nhắc nhở vì đã có thông báo dán trên tường.
Theo các chuyên gia, trẻ sẽ bị sốc, phản ứng mạnh nhất ở thời điểm sớm là 30 phút sau tiêm. Chính vì vậy, trong thời điểm này, trẻ phải có mặt ở cơ sở y tế để có thể xử lý kịp thời nhất nếu không may xảy ra tai biến.
Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình tiêm chủng và sử dụng vắc xin |
Cần quy trách nhiệm đến từng cá nhân
BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), ngành Y tế khẳng định vắc xin tốt nhưng vì sao vẫn xảy ra tai biến, xảy ra tử vong. Khi trẻ sơ sinh bị tước đi quyền sống của mình, đứng về đạo lý, dù chưa xác định được nguyên nhân thì trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về ngành Y tế. Người lãnh đạo cao nhất ngành Y tế cần có sự chia sẻ với các gia đình. Nhưng điều đáng nói, từ trước đến nay, những ca tử vong do vắc xin không được chỉ ra nguyên nhân rõ ràng và cũng không cháu nào được bồi thường, dù chỉ là lời xin lỗi của ngành Y tế.
Liên quan đến vấn đề bồi thường ông Nguyễn Văn Cường, Chánh văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia thừa nhận: Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm cũng đề cập vấn đề bồi thường. Khi có sự cố xảy ra, tìm được nguyên nhân nếu là do vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Còn nếu lỗi do người tiêm, người tiêm phải chịu trách nhiệm. Vấn đề từ xin lỗi, nhận lỗi cho đến bồi thường là chắc chắn, tuy nhiên tại Việt Nam đúng là chưa từng có tiền lệ, nhưng dần phải hoàn thiện.
GSTS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng: Chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong những tháng cuối năm 2013 và năm 2014.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các điểm tổ chức tiêm chủng thường xuyên, không được phép tiêm quá 50 trẻ/buổi tiêm chủng. Mỗi tháng có thể bố trí nhiều ngày tiêm chủng nếu lượng các cháu tiêm chủng nhiều. Đặc biệt, mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lọc trước khi tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định và xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nếu có.
Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác tiêm chủng (dây chuyền lạnh và các trang thiết bị cần thiết khác) đồng thời tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ tham dự tập huấn về an toàn tiêm chủng cho các cán bộ y tế thực hiện công tác tiêm chủng…
Hiện ngành Y tế có Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin và Hội đồng tư vấn đánh giá phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, tính độc lập của hai hội đồng này chưa cao vì tất cả những người làm công tác tiêm chủng, làm quản lý đều tham gia hội đồng, làm chủ tịch nên không thể độc lập được. Do vậy, hai hội đồng này cần độc lập để có tính phản biện mạnh mẽ, đưa ra được những thông tin chính xác, khách quan. (GSTS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) |
V.Văn