Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị |
(GD&TĐ) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 được tổ chức vào sáng nay (25/12).
Đến dự còn có Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể của trung ương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước.
Nhiều chuyển biến từ công tác TĐKT
"Nét mới của công tác khen thưởng trong năm vừa qua đó là, các cơ quan, địa phương đã chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động; đồng thời quan tâm hơn trong việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác". Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà |
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban thi đua khen thưởng Trung ương (TĐKTT.Ư) Trần Thị Hà, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ngành TĐKT trong năm vừa qua là việc tham mưu xây dựng Đề án “Đổi mới công tác TĐKT” đã được Bộ Chính trị thông qua.
Theo đó, Ban TĐKTT.Ư đã tham mưu nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TĐKĐ tại kỳ họp thứ 6 ngày 16/11/2013 để khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện Luật thi đua khen thưởng.
Trong tổng số 103 điều của Luật TĐKT hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung 47 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, năm qua các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các địa phương đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH “tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý”.
Tiêu biểu như các phong trào: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Xây dựng quỹ vì người nghèo, Lao động giỏi, lao động sáng tạo, Dân vận khéo, Vì an ninh tổ quốc…
Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích được các cấp khen thưởng kịp thời, nhiều điển hình tiến tiến được suy tôn, nêu gương, tạo sự lan tỏa và được nhân rộng trong xã hội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội |
Nhiều khó khăn, hạn chế vẫn còn tồn tại
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương những kết quả mà các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đạt được trong năm vừa qua, đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn kiểm điểm một số khó khăn, yếu kém còn tồn tại.
Theo Phó chủ tịch nước, hiện nay, một số phong trào thi đua chưa có nội dung tiêu chí cụ thể, chưa tổ chức chỉ đạo điểm, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào thi đua. Công tác biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời đã làm hạn chế đến phong trào thi đua và động lực thi đua.
Công tác khen thưởng, bình xét và công nhận danh hiệu thi đua ở một số Bộ, ban, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, không đảm bảo quy trình thủ tục; chưa chủ động trong công tác phát hiện nhân tố mới, điển hình mới để khen thưởng.
Khen thưởng thành tích kháng chiến ở một số địa phương chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, còn để kéo dài...
Việc trao tặng các hình thức khen thưởng cấp nhà nước ở một số nơi chưa được tổ chức trang trọng, đúng thẩm quyền, đúng quy định vì thế một số tập thể, cá nhân được khen thưởng chưa thấy hết được vinh dự và trách nhiệm để tiếp tục phát huy và quyết tâm phấn đấu, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng.
Một số đơn vị vẫn có tỷ lệ khen thưởng lãnh đạo cao chưa quan tâm đúng mức đến nhân viên, người lao động.
Tháo gỡ khó khăn từ việc đổi mới
Để khắc phục những hạn chế và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý, các Bộ, ngành và các địa phương cần chủ động không ngừng đổi mới công tác thi đua theo hướng nâng cao chất lượng và tập trung phát động các phong trào thi đua gắn với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và sát với yêu cầu của thực tiễn; qua đó nhằm thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và Đề án lớn của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, cần tổ chức phát động thi đua thực hiện tốt kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện hiến pháp trong năm 2014.
Để làm được điều này, Phó chủ tịch nước đề nghị, người đứng đầu các đơn vị cần phải có nhiệt huyết, quan tâm chú trọng hơn nữa đến công tác này. Các cán bộ làm thi đua cũng phải bắt nhịp với sự quan tâm của lãnh đạo.
Ngoài ra cần tăng cường sự phối kết hợp giữa các tổ chức, đoàn thể với hội đồng thi đua khen thưởng các cấp.
“Các Bộ, ngành, địa phương cần không ngừng đổi mới phương pháp và các hình thức thi đua nhằm phát huy được nhiều sáng kiến, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất. Từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Các phong trào thi đua phải có tên gọi xác thực, có nội dung và chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để phát động. Trước mắt phải tập trung nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ để ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật thi đua khen thưởng”. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan |
Hải Phong