Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vui - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại.
Cần thiết ban hành Nghị định
* Thưa ông, được biết mới đây Bộ GD&ĐT vừa đăng tải dự thảo Nghị định quy định chế độ khen thưởng đối với HSSV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Vậy vì sao Bộ phải xây dựng Nghị định này?
- Về sự cần thiết phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định này, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo đầy đủ trong dự thảo Tờ trình Chính phủ đã được đăng tải trên Công Thông tin điện tử Chính phủ, Báo GD&TĐ để xin ý kiến nhân dân.
Tôi chỉ bổ sung mấy ý sau: Trọng người hiền tài vốn là một trong những truyền thống quý báu của cha ông ta. Tiếp nối truyền thống đó, Đảng và Nhà nước nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn trọng dụng người hiền tài.
Tôi chỉ nói ở đối tượng hẹp là học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và một chính sách cụ thể đối với đối tượng này trong thời gian qua.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158 về chế độ khen thưởng đối với HSSV đoạt giải quốc gia, quốc tế (gọi tắt là Quyết định 158). Trong thời gian qua, Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ghi nhận thành tích và sự cố gắng vượt bậc của các em đoạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, đến nay chế độ khen thưởng theo Quyết định 158 đã bộc lộ một số hạn chế.
Thứ nhất, về hình thức khen thưởng: Quyết định 158 quy định một hình thức khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với HSSV đoạt Huy chương Vàng quốc tế; các giải quốc tế khác, giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia đều chung một hình thức là Bằng khen của Bộ trưởng. Quy định này hiện nay không còn phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) đó là, thành tích đến đâu, khen đến đó.
Thứ hai, quy định mức tiền thưởng không còn phù hợp. VD: Năm 2002 khi Quyết định 158 ban hành, HSSV đoạt Huy chương Vàng thế giới được thưởng 15.000.000 đồng; so với mức tiền lương tối thiểu năm đó là 210.000đ thì mức thưởng gấp khoảng 71 lần. Hiện nay, so với mức tiền lương tối thiểu là 1.390.000đ chỉ gấp khoảng 12 lần.
Mặt khác, mức tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng hiện nay theo quy định của Luật TĐKT cũng đã tăng gấp 4 lần so với mức thưởng năm 2002.
Những hạn chế này rất cần phải được sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay. Cử tri cả nước, đại biểu Quốc hội cũng nhiều lần kiến nghị về sự cần thiết phải thay đổi. Do vậy, việc trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định này là rất cần thiết.
* Vậy vì sao hình thức khen thưởng, mức thưởng trong dự thảo Nghị định của Chính phủ cho HSSV đoạt giải quốc gia, quốc tế lại thấp hơn hình thức và mức thưởng của vận động viên thể dục, thể thao cùng hạng giải thưởng?
- Bộ GD&ĐT, Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị định, các Bộ cũng đã thảo luận kỹ vấn đề này. Sở dĩ có sự chênh lệch là do đặc thù hoạt động của các vận động viên thể dục thể thao (TDTT). Đối với các anh chị ấy, hoạt động TDTT là một nghề, thường vào nghề từ rất sớm, có khi suốt cả sự nghiệp chỉ được một giải; đặc biệt là tuổi hoạt động trong nghề rất có giới hạn (có vận động viên vì lý do thương tật chưa đến tuổi 30 đã phải giã từ sự nghiệp).
Còn đối với HSSV, các em chỉ đoạt giải quốc gia, quốc tế khi đã vào học THPT. Các em đoạt giải cao nhưng cũng mới chỉ là dấu hiệu của tài năng và sự nghiệp của các em giờ mới là bắt đầu. Tương lai của các em vô cùng rộng mở, và đóng góp của các em có thể là không giới hạn. Do vậy, hình thức thưởng, mức thưởng khác nhau giữa hai đối tượng này là phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Vui - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ GD&ĐT |
Khen thưởng đột xuất là đúng quy định
* Được biết, để có dự thảo này, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện từ năm 2016?
- Đúng vậy! Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, muốn trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định này, Bộ GD&ĐT phải thực hiện 2 bước gồm:
Bước 1- Lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị được xây dựng nghị định. Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động; dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo nghị định, xin ý kiến các địa phương, các Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ…. và Bộ Ngoại giao, bảo đảm yếu tố hội nhập quốc tế.
Sau đó, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến nhân dân 30 ngày. Theo đó, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến và tất cả đều đồng tình, ủng hộ.
Tiếp đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định; Bộ Tư pháp đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định. Bộ đã tiếp thu hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ.
Ngày 14/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về việc giao Bộ GD&ĐT xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định này trong tháng 12 năm 2018 theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Bước 2 - Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện xong dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo nghị định và đã đăng tải công khai để xin ý kiến nhân dân lần thứ 2.
* Xung quanh vấn đề này, nhiều ý còn băn khoăn việc khen thưởng HSSV đoạt giải quốc gia, quốc tế theo hình thức nào? Ngoài ra việc khen thưởng theo hình thức đột xuất có đúng không và ai quy định đó là thành tích đột xuất?
- Điều 13 Nghị định số: 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (gọi tắt là NĐ số 91), quy định có các hình thức khen thưởng:
Thứ nhất, khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, thường gọi là khen thưởng tích luỹ thành tích trong năm hoặc giai đoạn;
Thứ hai: Khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề;
Thứ ba: Khen thưởng đột xuất để khen thưởng các tập thể, cá nhân lập thành tích đột xuất;
Thứ tư: Khen thưởng quá trình cống hiến;
Thứ năm: Khen thưởng theo niên hạn;
Thứ sáu: khen thưởng đối ngoại.
Theo quy định này, việc trình Chính phủ khen thưởng HSSV đoạt giải quốc gia, quốc tế theo hình thức thứ 3 là đúng quy định, cụ thể:Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 91:
"Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân đảm nhiệm.Thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực được khu vực và thế giới ghi nhận.”
HSSV đoạt giải cao trong các kỳ thi được khu vực và thế giới ghi nhận:
Thứ nhất là thành tích đột xuất vì HSSV không thể lập kế hoạch và đăng ký với nhà trường từ đầu năm học là mình sẽ được đi dự thi khu vực và thế giới và sẽ đoạt Huy chương gì.
Thứ hai, là thành tích xuất sắc khi các em đoạt Huy chương Vàng khu vực hoặc châu Á; đặc biệt xuất sắc khi các em đoạt Huy chương Vàng thế giới.
Do vậy, theo quy định của Luật TĐKT thì chính thành tích đạt được của HSSV sẽ quy định đó là thành tích đột xuất, thành tích xuất sắc hay đặc biệt xuất sắc để đối chiếu với tiêu chuẩn của Luật TĐKT, xét khen thưởng.
Về hình thức khen thưởng, Nghị định số 91 quy định: Hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động các hạng. Ứng với mỗi hình thức khen thưởng đều có quy định khen thưởng thành tích đột xuất, thành thích xuất sắc hoặc đặc biệt xuất sắc.
Xin cảm ơn ông!