Công nhân tử vong vì bụi phổi silic được doanh nghiệp bồi thường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công ty TNHH Châu Tiến (ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vừa bồi thường hơn 560 triệu đồng cho 5 gia đình có công nhân tử vong vì nhiễm bụi phổi silic.

Nhà máy sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến. (Ảnh: Phạm Tâm)
Nhà máy sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến. (Ảnh: Phạm Tâm)

Ngày 29/3, bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, Công ty TNHH Châu Tiến (gọi tắt là Công ty Châu Tiến; đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) vừa chi trả bồi thường cho gia đình 5 lao động tử vong do bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp này chi trả khoản tiền hơn 560 triệu đồng cho gia đình của 5 công nhân tử vong. Trong đó, có 4 công nhân được chi trả mức 110 triệu đồng, 1 công nhân được chi trả hơn 121 triệu đồng.

Mức chi trả này tương đương 30 tháng lương cơ bản, được phía doanh nghiệp căn cứ vào Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định liên quan.

Sở dĩ số tiền bồi thường khác nhau vì mức lương cơ bản của các công nhân thời điểm còn làm việc khác nhau.

Chị Đặng Thị Thắm là một trong số nhiều công nhân của Công ty Châu Tiến đang phải điều trị bệnh bụi phổi silic. (Ảnh: Phạm Tâm)
Chị Đặng Thị Thắm là một trong số nhiều công nhân của Công ty Châu Tiến đang phải điều trị bệnh bụi phổi silic. (Ảnh: Phạm Tâm)

Công ty TNHH Châu Tiến hoạt động từ năm 2017, chuyên sản xuất bột đá siêu mịn và bột đá thạch anh - quartz.

Từ tháng 9/2022 đến nay, 6 công nhân từng làm việc tại đây bị tử vong, trong đó 5 người mắc bệnh bụi phổi silic.

Tháng 10/2023, doanh nghiệp này bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 116 triệu đồng vì không quan trắc môi trường lao động và không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cuối năm 2023, đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp của Sở Y tế Nghệ An tiến hành thăm khám cho gần 100 công nhân đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến. Kết quả, phát hiện thêm 57 công nhân mắc bệnh bụi phổi silic ở nhiều thể nặng nhẹ khác nhau.

Tất cả hồ sơ của những người mắc bệnh bụi phổi silic đều đã được chuyển cho Trung tâm Giám định y khoa để tiến hành giám định mức độ mắc bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc giải quyết bồi thường và trợ cấp bệnh nghề nghiệp vẫn chưa có kết quả dẫn đến việc hàng chục công nhân đang mòn mỏi chờ chế độ.

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bệnh bụi phổi silic nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần (từ 5% đến 30%) hoặc trợ cấp hàng tháng (từ 31% trở lên).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.