Công nghiệp văn hóa 'sóng đôi' cùng thành phố sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi công nghiệp văn hóa 'sóng đôi' cùng thành phố sáng tạo sẽ kích cầu du lịch, tạo thế mạnh 'kiềng ba chân'.

Công nghiệp văn hóa 'sóng đôi' cùng thành phố sáng tạo sẽ thu hút du lịch, tạo cơ hội quảng bá văn hóa.
Công nghiệp văn hóa 'sóng đôi' cùng thành phố sáng tạo sẽ thu hút du lịch, tạo cơ hội quảng bá văn hóa.

Nếu như công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn vốn văn hóa để kích thích sáng tạo, thì thành phố sáng tạo lại khai thác nguồn lực trí tuệ làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Vẫn khuyết tên trong báo cáo toàn cầu

Hai lĩnh vực tưởng chừng đối lập nhưng khi kết hợp lại đem đến những “lợi ích kép” nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, sản phẩm sáng tạo và kích cầu du lịch thông qua thương hiệu “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Trong khi “Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” đến gần, giới quản lý, người làm chính sách và đội ngũ thực hành sáng tạo ở các lĩnh vực như: Điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ - mong muốn được thấy rõ những rào cản, thách thức cũng như phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được xác định bao gồm 12 lĩnh vực. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua Việt Nam vẫn khuyết tên trong báo cáo toàn cầu về công nghiệp sáng tạo của UNESCO.

Bởi vậy, việc khuyến khích sự phát triển, tôn trọng khả năng tự tổ chức của xã hội công nghiệp và thúc đẩy cơ chế tự điều chỉnh của thị trường là biện pháp để chuyển đổi chức năng của Chính phủ từ quản lý sang kiến tạo. Đồng thời tạo động lực phát triển sức mạnh nội sinh của từng chủ thể công nghiệp văn hóa.

Thông điệp về Chính phủ kiến tạo có thể dẫn dắt công nghiệp văn hóa Việt Nam đạt được những thành tựu để ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ kinh tế sáng tạo thế giới với 5 nhân tố: Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, vai trò của các cơ quan đại diện Chính phủ định hướng điều tiết xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển lực lượng các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, phát triển con người công nghiệp văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa Việt.

Để phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng tiềm năng, thế mạnh vốn có, việc khai thác và phát huy sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên so với yêu cầu thì nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay chưa đáp ứng kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ở Hồng Kông, 85% thu nhập có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Nhật Bản đã nâng tầm ngành công nghiệp văn hóa lên mức tầm cỡ thế giới, đặc biệt trong ngành xuất bản và game từ các tác phẩm... với trung bình doanh thu lên tới 2 tỷ USD.

Trong khi đó công nghiệp văn hóa vẫn là lĩnh vực non trẻ ở Việt Nam, chỉ chiếm hơn 3,6% GDP của cả nước. Mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng này phấn đấu đạt 7% GDP, với 220.000 nhân lực trực tiếp và gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.

Người dân Hội An diễu hành chào mừng sự kiện 'Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023'.

Người dân Hội An diễu hành chào mừng sự kiện 'Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023'.

Sóng đôi tạo thế “kiềng ba chân”

Trước sự phát triển rất nhanh của thế giới, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cần có giải pháp cụ thể, nhằm phát triển đúng hướng và bền vững. Một trong các giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị là kết hợp “sóng đôi” cùng mạng lưới thành phố sáng tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia: Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Hiện đã có hơn 350 thành phố của hơn 90 quốc gia tham gia mạng lưới và cùng hướng tới mục tiêu “đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế”.

Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, từ khi Hà Nội gia nhập mạng lưới thì “thành phố sáng tạo” đã trở thành một từ khóa được mọi người tìm hiểu, được các địa phương quan tâm và nỗ lực vươn tới.

Để xứng đáng với danh hiệu, suốt 4 năm qua Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, triển lãm thành tựu xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa và danh hiệu thành phố sáng tạo tưởng chừng độc lập, không liên quan nhưng thực tế lại cho thấy sự cộng hưởng trong việc bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa, phục vụ cho mục tiêu chung là phát triển bền vững.

Nếu như công nghiệp văn hóa thúc đẩy các ngành văn hóa phải có sự sáng tạo trên nền tảng di sản vốn có, thì thành phố sáng tạo lại biến nguồn lực trí tuệ trở thành tài sản và động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Không những vậy, khi công nghiệp văn hóa “sóng đôi” cùng thành phố sáng tạo sẽ kích cầu du lịch, tạo thế mạnh “kiềng ba chân”. Đây không chỉ là cơ hội tăng trưởng GDP, mà còn tạo ra cơ hội để quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 31/12/2023, Hội An sẽ tổ chức lễ công bố “Hội An gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2023”. Trong khuôn khổ sự kiện, các hoạt động sắp đặt không gian, trưng bày, trình nghề, biểu diễn nghệ thuật sẽ được tổ chức tại khu phố cổ và các làng nghề nhằm giới thiệu các lĩnh vực sáng tạo của Hội An.

Trước đó, ngày 31/10, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) đã xác nhận Hội An là đại diện của Việt Nam chính thức là thành viên của UCCN trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ngay sau đó, đại diện chính quyền cùng người dân, nghệ nhân, học sinh, sinh viên thành phố Hội An đã tham gia lễ diễu hành chào mừng sự kiện này.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ