Công nghệ không thể thay thế nhà báo

GD&TĐ - Người làm báo cần bản lĩnh để giữ vững đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính chuẩn mực và giá trị của nền báo chí cách mạng.

Các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh minh họa.
Các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh minh họa.

Báo chí đối diện với nhiều thách thức và hệ lụy từ cạnh tranh thông tin, sự dẫn dắt, điều hướng dư luận của mạng xã hội lẫn áp lực kinh tế…Đứng trước nhiều lựa chọn và cạm bẫy, TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, giảng viên Trường ĐH Thăng Long cho rằng, người làm báo cần bản lĩnh để giữ vững đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính chuẩn mực và giá trị của nền báo chí cách mạng.

Thách thức mới

- Cách mạng 4.0 tác động đến nhiều ngành nghề trong đó có báo chí. Thuận lợi luôn song hành với thách thức. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Cách mạng 4.0 là thành tựu lớn của nhân loại, tác động đến nhiều ngành nghề trong đó có báo chí. Công nghệ mang đến cơ hội cho người làm báo về mặt tác nghiệp, phát triển nghề nghiệp; tạo cho phóng viên/nhà báo có môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ quá trình làm việc tại hiện trường nhanh hơn.

Bốn thuận lợi mà chúng ta có thể dễ dàng thấy. Đó là: Để lấy tư liệu hay phỏng vấn một nhân vật, chúng ta không nhất thiết phải gặp mặt mà có thể phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến, gửi câu hỏi qua email, gọi điện thoại…

Quay trở về thời gian gần 30 năm trước đây, khi thế hệ những người là nhà báo như tôi muốn phỏng vấn nhất định phải đến tận nơi, không thể phỏng vấn bằng hình thức viết thư; hay phỏng vấn qua điện thoại vì không cho phép gọi quá dài.

Tiếp đó, đối với người làm báo, nguồn thông tin dữ liệu quan trọng số 1. Ngày xưa lưu trữ thông tin dữ liệu bằng giấy (bản cứng), khi phóng viên/nhà báo muốn tìm kiếm tài liệu phục vụ bài viết phải đến thư viện hay kho lưu trữ của cơ quan đó để tìm… Tuy nhiên công nghệ phát triển, các tư liệu đó được số hoá lên Internet, giảm rất nhiều công sức, thời gian cho người làm báo.

Thứ ba, môi trường tác nghiệp nhanh. Phóng viên ngồi ở bất kỳ nơi đâu có Internet để có thể chuyển bài, dữ liệu về toà soạn. Cách đây 30 năm khi tôi đang là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú ở Đà Nẵng, để làm bài phỏng vấn cho thời sự 18 giờ buộc phải làm xong trong buổi sáng. 14 giờ chiều tôi sang Đài Phát thanh Quảng Nam để dựng nhờ bài sau đó ghi ra băng các sét. Từ băng đó mang về cơ quan thường trú lấy xe máy đi ra bưu điện Đà Nẵng gọi điện ra Hà Nội. Theo đó, đồng nghiệp ở ngoài này sẽ thông qua cuộc điện thoại đó ghi âm lại và phát vào chương trình 18 giờ.

Đặc thù của phát thanh, nếu thiết bị truyền dẫn không tốt thì tiếng sẽ bị méo (quá trình ghi lại qua điện thoại đường dài như vậy giọng của nhân vật đã méo đi 70% so với giọng thật). Từ đó có thể thấy rằng, công nghệ chưa phát triển sẽ dẫn đến thời gian, quá trình tác nghiệp của phóng viên/nhà báo rất chậm, tốn nhiều công sức. Hiện công nghệ ngày một hiện đại, hỗ trợ rất nhiều cho người làm báo, giảm đi các công đoạn rườm rà, vất vả.

Thứ tư, để đánh giá nhu cầu thông tin, xu hướng bạn đọc muốn tiếp nhận như thế nào? Ngoài đi khảo sát thực tế, chúng ta có thêm kênh tham khảo là báo bạn; xem họ khai thác đề tài như thế nào? Cách đánh giá của báo chí quốc tế ra sao? Trước đây điều đó chỉ nằm mơ, nhưng bây giờ rất dễ để tiếp cận.

Bên cạnh thuận lợi, người làm báo đối diện với các thách thức như: Khả năng lựa chọn thông tin trong kho dữ liệu lớn đó. Nếu người làm báo không có hiểu biết, không có vốn tích luỹ từ thực tế nghề nghiệp sẽ không biết cách lựa chọn. Trong khi đó, bạn đọc hiện nay rất thông minh, chỉ cần lướt qua cái tít có thể biết nên lựa chọn nguồn nào để đọc.

Khả năng kiểm chứng thông tin, đòi hỏi người viết phải có nhiều kiến thức để so sánh, đánh giá vấn đề làm sao lựa chọn nguồn tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người viết, đánh giá vấn đề nhanh nhưng lại mắc lỗi vội vàng, không kiểm chứng thông tin dẫn đến đưa sai sự thật.

Bên cạnh đó, nhà báo ngày nay đối diện với áp lực về thời gian đưa tin. Các cơ quan báo chí đều có báo điện tử, phải chạy đua thời gian để có thông tin nhanh, nếu chỉ chậm 1 – 2 phút đã ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp, khai thác thông tin của người làm báo.

TS Trần Bá Dung trong một giờ dạy. Ảnh: NVCC

TS Trần Bá Dung trong một giờ dạy. Ảnh: NVCC

Nhà báo chân chính không sợ… ChatGPT

- Nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT sẽ thay thế vai trò của con người trong nhiều công việc, lĩnh vực. Liệu ứng dụng này có thay thế vai trò của nhà báo?

- ChatGPT không thể thay thế công việc của nhà báo/phóng viên. Như chúng ta biết, phóng viên/nhà báo phải là những người đi lấy tin trực tiếp, có giao lưu, trao đổi với nhân vật. Từ những thông tin đó, họ phân tích, đánh giá kiểm chứng và chọn góc triển khai vấn đề làm sao cho hay, hấp dẫn với bạn đọc.

Làm báo phải có thông tin mới, độc mới hấp dẫn bạn đọc. Ví dụ: Khi viết về một công trình nghiên cứu khoa học mới được công bố, những thông tin về đề tài được công khai, ChatGPT có thể tổng hợp và phân tích dữ liệu lớn. Còn những câu chuyện trong quá trình nghiên cứu đề tài, phóng viên phải hỏi, phỏng vấn nhà khoa học mới biết được.

Thông tin của báo chí là thông tin “sốt dẻo”. ChatGPT chỉ tổng hợp lại, không thể khai thác cái mới. Cụ thể, dữ liệu về một vấn đề liên quan đến y tế trên mạng chỉ có đến năm 2021, trong khi hiện là năm 2023 nên đòi hỏi phóng viên phải đi phỏng vấn; tìm các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực đó để hỏi. Còn, ChatGPT không thể làm được điều đó.

Từ những thực tế đó cho thấy, ChatGPT chỉ hỗ trợ về mặt công nghệ, tổng hợp dữ liệu nhanh với kho dữ liệu lớn (hơn 2 tỷ đơn vị kiến thức). Nhưng qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm của các chuyên gia và người dùng cho thấy, một số câu trả lời của ChatGPT không chính xác bởi nó không thể chọn lọc thông tin dẫn đến vi phạm tôn chỉ mục đích.

Chưa kể, thao tác người làm báo không giống với trình tự của thuật toán mà ChatGPT được thiết lập. Ví dụ: Trong thuật toán không cài đặt về quan điểm chính trị, nhưng trong tư liệu lại có các quan điểm chính trị khác nhau. ChatGPT không thể phân tích, chọn lọc, điều này phải là con người trực tiếp làm.

Do đó, có thể khẳng định, ChatGPT không thể thay thế vai trò của phóng viên/nhà báo. Nó chỉ hỗ trợ phóng viên ở một số công đoạn, thủ thuật như tổng hợp tài liệu. Tuy nhiên, ChatGPT cũng là một thách thức nếu người làm báo không thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.

Đạo đức nghề nghiệp giữ vị trí căn cốt

- Cùng với các quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp được coi là cơ sở nền tảng để hình thành nền báo chí nhân văn. Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức nghề nghiệp liệu có thay đổi, thưa ông?

- Trong các trường đại học có chuyên ngành báo chí đều đào tạo bài bản về pháp luật và đạo đức báo chí, đồng thời ngành truyền thông đa phương tiện của trường ngoài công lập cũng vậy. Từ đó cho chúng ta thấy, ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường, sinh viên được dạy về giáo dục đạo đức cũng như pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng phê duyệt chương trình đào tạo môn Đạo đức và pháp luật báo chí. Có nhiều trường môn này được dạy ít nhất 45 tiết.

Đối với người làm báo, hằng năm Cục báo chí, Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông đều mở 4 - 5 lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao quản lý báo chí cho các cán bộ quản lý, cán bộ tái bổ nhiệm, mới được bổ nhiệm, được đề bạt để bổ nhiệm hoặc chuyên viên chính. Trong khoá bồi dưỡng bao giờ cũng có một chuyên đề về mặt đạo đức. Ngoài ra Hội Nhà báo Việt Nam, năm nào cũng tổ chức buổi tập huấn đạo đức, pháp luật báo chí cho phóng viên/nhà báo.

Tuy vậy sự chạy đua về mặt thông tin dẫn đến đạo đức báo chí nhiều khi cũng bị tác động, coi nhẹ chất lượng thông tin; cố tình đưa thông tin giật gân. Một số phóng viên/nhà báo dựa vào thông tin ở mạng xã hội nhưng lười kiểm chứng dẫn đến đưa sai sự thật hay xào xáo thông tin của các báo khi chưa xin phép nhân vật, toà soạn.

- Báo chí hiện nay theo xu hướng đa phương tiện, thông tin nhanh chóng nhưng chính xác, theo ông, chương trình đào tạo của các đơn vị báo chí đã theo kịp yêu cầu trên?

- Nhiều chương trình đào tạo của các trường còn mang tính dàn trải, đòi hỏi người học cái gì cũng phải biết nhưng không chuyên sâu. Nhiều khi các trường nghiêng về đào tạo công nghệ; không hướng dẫn, chỉ dạy sinh viên ứng dụng công nghệ đó vào quá trình làm báo như thế nào, những góc nhìn đánh giá vấn đề, sự nhạy cảm về thông tin ra sao.

Minh chứng rõ nét là sinh viên có thể chụp ảnh rất đẹp nhưng để xây dựng thành một câu chuyện bằng phóng sự ảnh báo chí thì không thể. Họ chỉ đơn thuần biết sử dụng công nghệ để chụp ảnh đẹp. Từ thực tế đó, các cơ quan báo chí khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường phải bồi dưỡng, đào tạo lại…

Một thực tế nữa hiện nay, nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến đào tạo ngôn ngữ cho sinh viên. Mà trong báo chí, ngôn ngữ không phải lúc nào cũng sử dụng như truyện ngắn, tiểu thuyết, cần phải hiểu ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ đại chúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.

danh sách kho sim lục quý 8 tại khosim.com Zoom Screen KPI là gì Dòng qno-6072r dành cho dự án lớn http://fptfiber.vn/ khóa vân tay yale vinlockDịch vụ Cloud VPS cập nhật bảng giá in card visit Khóa cửa mã số Nhật BảnChọn mẫu Máy in 3D công nghiệp cấu hình iphone 16 plus Tìm hiểu vê chữ ký số giá bao nhiêu cho đăng ký mới