Công nghệ chỉnh sửa gen tạo ra loài kiến đột biến đầu tiên trên Trái đất

GD&TĐ - Thoạt nghe như kịch bản của một bộ phim viễn tưởng, song các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra loài kiến đột biến đầu tiên trên Trái đất.

Các nhà khoa học đã tạo ra loài kiến mất khả năng giao tiếp qua các sợi xốp trên râu
Các nhà khoa học đã tạo ra loài kiến mất khả năng giao tiếp qua các sợi xốp trên râu

Hai nhóm nghiên cứu riêng biệt đã thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gen (được gọi là CRISPR) để biến đổi gen của kiến. Cụ thể, trong một thí nghiệm của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Rockfeller (Mỹ), họ đã thay đổi một gen tất yếu của kiến để cho ra đời loài kiến mất khả năng giao tiếp qua hệ thống râu ăng ten của chúng.

Theo các chuyên gia, việc kết quả thí nghiệm cho thấy sự giảm thiểu hành vi xã hội và khả năng sinh tồn của kiến trong đàn đã làm sáng tỏ sự tiến hóa xã hội.

GS Daniel Kronauer, Trưởng phòng thí nghiệm Tiến hóa xã hội và Hành vi Trường Rockfeller, cho biết: “Chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ của loài kiến được tạo ra từ các sợi xốp trên râu của chúng, song nghiên cứu này đã cho chúng ta biết thêm rất nhiều về cách chúng được nhận biết như thế nào.

Cách mà lũ kiến tương tác về căn bản khác so với cách mà các chủng loại đơn độc tương tác, và với những phát hiện này mà chúng ta được biết thêm về sự tiến hóa di truyền cho phép lũ kiến dựng lên 1 xã hội có cấu trúc ra sao”.

CRISPR, được so sánh như một chiếc “kéo phân tử”, cho phép các nhà khoa học thay đổi hoặc thay thế các phần DNA cụ thể. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng CRISPR để phá vỡ một gen với tên gọi là Orco của loài kiến sinh sản vô tính (Ooceraea biroi), song ngay sau đó đã gặp thách thức trong việc giữ cho chúng sống.

Trong khi lũ kiến thường di chuyển thành 1 dây, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những con kiến đột biến không thể đi vào hàng, cùng với nhiều hành vi dị thường khác.

Ở một nghiên cứu khác, cũng được đăng trên tạp chí Cell như nghiên cứu trên, các nhà khoa học nhắm vào gen Orco của loài kiến nhảy Ấn Độ (Harpegnathos saltator).

Các chuyên gia lưu ý 1 điểm khác biệt ở loài kiến nhảy Ấn Độ so với các loài kiến khác là chỉ có con chúa mới có thể phối giống và truyền lại các gen cho thế hệ sau. Tuy vậy, bất cứ con kiến thợ cái nào trong loài cũng có thể trở thành một “kiến chúa tạm thời” khi thiếu vắng sự có mặt của kiến chúa trong bầy.

Nghiên cứu thứ hai được dẫn dắt bởi nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học New York, ĐH Y khoa NYU, Đại học bang Arizona, Đại học Pennsylvani và Đại học Vanderbilt.

Kiến chúa ngăn chặn khả năng phối giống và đẻ trứng của kiến thợ, song nếu con chúa bị mất đi thì con cái hung dữ nhất, sau khi chiến thắng trong các cuộc đấu với những đối thủ khác, sẽ có thể đẻ trứng.

Thí nghiệm đã tạo ra 3 con kiến đột biến không có gen Orco, dẫn tới chúng không thể nhận được các pheromones, và giảm thiểu khả năng tham gia vào cuộc chiến tranh giành quyền lực.

GS Claude Desplan, thuộc khoa Sinh học ĐH NYU và là 1 trong những tác giả của báo cáo này, tuyên bố: “Mặc dù hành vi của kiến không trực tiếp dẫn tới con người, song chúng tôi tin rằng nghiên cứu này hứa hẹn sẽ nâng cao hiểu biết của chúng ta về sự giao tiếp xã hội, với tiềm năng hình thành các phương án nghiên cứu trong tương lai cho các chứng rối loạn như tâm thần phân liệt, trầm cảm hay tự kỉ liên quan tới nó”.

Công nghệ chỉnh sửa gen đã và đang mang lại nhiều thành quả trong thời gian gần đây. Ngay đầu tuần này, các nhà khoa học đã công bố về việc loại bỏ 1 loại virus có hại tới con người ở lợn, sử dụng công nghệ CRISPR. Phát hiện này có tiềm năng đặt nền tảng cho việc cấy ghép nội tạng từ lợn sang người.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ