“Còng lưng” trả nợ vì “giấc mơ Nhật Bản”

“Còng lưng” trả nợ vì “giấc mơ Nhật Bản”

Báo GD&TĐ nhận được phản ánh về việc, Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm (ông Võ Ngọc Tuấn, SN 1986, trú phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương làm giám đốc) tuyển xuất khẩu lao động Nhật Bản, thu giữ số tiền nhiều tỷ đồng.

“Giăng bẫy” người lao động

Người lao động cho biết, đây là Võ Ngọc Tuấn - Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm. Ảnh do người lao động cung cấp

Sau thời gian dài đi đòi hơn 250 triệu đồng vay mượn ngân hàng để đóng cho đường dây đi XKLĐ tại Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Thủy (trú xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nói: “Nếu không đòi lại được tiền để trả nợ thì suốt đời đi làm chỉ để trả tiền lãi cho ngân hàng”.

Anh Thủy kể, đầu năm 2018, với nhu cầu đi XKLĐ tại Nhật Bản, anh được anh Nguyễn Khắc Hùng (trú xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) giới thiệu đến Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm (Công ty Toàn Tâm). Anh Hùng nói công ty này có khả năng đưa người lao động đi nước ngoài một cách nhanh nhất. Trong vòng một tháng là có thể xuất cảnh.

“Sau khi nhận lời, tôi được anh Hùng đưa ra Công ty Toàn Tâm (có trụ sở tại ngõ 53 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, tôi được anh Hùng giới thiệu làm việc với ông Võ Ngọc Tuấn (Giám đốc công ty) và bà Ngô Thị Nhung (kế toán).

Ông Tuấn nói chi phí đi Nhật hết 13.000 USD (mười ba nghìn đô la Mỹ, trước mắt đóng cọc 2.000 USD), sau khi có visa đóng tiếp số tiền còn lại và xuất cảnh. Nộp 2.000 USD tiền cọc xong, ông Tuấn nói 10 ngày sẽ có visa và sau khi có visa 1 tuần sau sẽ xuất cảnh nên tôi về nhà chờ”, anh Thủy kể lại.

Anh Thủy cũng cho biết, cùng thời điểm này ngoài anh ra còn có các anh Trần Văn Chiến, Trần Sỹ Bảo (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh); Phạm Đình Nhuần (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh); Nguyễn Văn Sỹ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và một số lao động ở tỉnh khác cũng nộp tiền cho công ty này.

“Sau khi nộp tiền cọc, đến 10 ngày sau, ông Tuấn gọi điện thông báo đã có visa và yêu cầu nộp đủ số tiền 11.000 USD còn lại. Tôi yêu cầu xem visa rồi mới đóng tiền thì lúc này ông Tuấn chụp ảnh visa và vé máy bay gửi qua điện thoại cho tôi.

Vì tin tưởng nghĩ là có visa thật nên tôi và mọi người đã chuyển khoản 11.000 USD còn lại qua số tài khoản 21210000356099 tại Ngân hàng BIDV cho bà Ngô Thị Nhung (kế toán) theo yêu cầu của ông Tuấn và đã có phiếu thu.

Chuyển tiền xong, tôi cùng mọi người ra sân bay theo lịch hẹn của ông Tuấn và bà Nhung. Tuy nhiên, khi đến sân bay thì ông Tuấn thông báo hoãn chuyến bay vì lý do bên Nhật chưa nhận người và bảo về chờ một tuần sau sẽ xuất cảnh. Thế nhưng chờ hết một tuần thì ông Tuấn lại hẹn thêm 1 tuần nữa, rồi thêm 1 tuần nữa. Lúc này, chúng tôi mới nghĩ mình bị lừa.

Ngày 21/5/2018, chúng tôi đến công ty xin rút hồ sơ và yêu cầu trả lại tiền thì ông Tuấn tiếp tục hứa hẹn và ký cam kết với chúng tôi nếu một tháng sau không bay được thì sẻ trả lại hồ sơ và tiền. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, chúng tôi đến công ty thì cả ông Tuấn lẫn bà Nhung đã không xuất hiện, đồng thời có dấu hiệu mất liên lạc”, anh Thủy kể lại.

“Ôm nợ” vì vỡ mộng… làm giàu

Người lao động cho biết đây là bà Ngô Thị Nhung - kế toán công ty, người trực tiếp nhận tiền của người lao động. Ảnh do người lao động cung cấp

Sau nhiều lần mất liên lạc và tạo sức ép, đến ngày 18/7/2018, ông Tuấn đã liên lạc với nhóm của anh Thủy thông báo không thể bay được, đồng thời hứa hẹn và xin hoàn trả lại tiền theo 3 đợt.

Đợt 1 hết ngày 18/8/2018, trả mỗi người ít nhất 2.000 USD. Đợt 2 đến hết ngày 18/9/2018, trả mỗi người 50% số tiền còn lại. Đợt 3 đến hết ngày 18/10/2018 sẽ trả đủ số tiền mọi người đã nộp cho công ty. Thế nhưng, sau đó ông Tuấn hoàn toàn cắt đứt liên lạc, tắt tất cả các số điện thoại, đồng thời trụ sở công ty cũng bị chuyển đi nơi khác. Điện thoại cho bà Nhung cũng không liên lạc được.

Ngày 25/6/2019, anh Thủy cùng các lao động bị lừa đến trình báo Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để được giúp đỡ. Tại đây, công an đã lấy lời khai và yêu cầu các nạn nhân nộp toàn bộ giấy tờ, tài liệu, phiếu thu tiền liên quan đến sự việc trên.

“Chờ đến ngày 9/1/2020, chúng tôi nhận được thông báo của Công an thành phố Hà Nội về việc ngừng điều tra vụ việc trên. Lúc này, tôi có gọi điện cho ông Chu Hữu Nguyên (cán bộ phụ trách điều tra) để hỏi thì ông Nguyên nói đã hết hạn điều tra nên không giải quyết được”, anh Thủy cho biết.

Theo anh Thủy, liên quan đến vụ lừa đảo XKLĐ trên, thời điểm đó nhóm của anh có tất cả 10 người đã nộp cho Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Trong đó, ở Hà Tĩnh ngoài anh Thủy ra còn có anh Trần Văn Chiến đã nộp 260 triệu đồng. Anh Trần Sỹ Bảo nộp 15.000 USD. Anh Phạm Đình Nhuần nộp 13.000 USD. Ở Nghệ An có anh Nguyễn Văn Sỹ cũng đã nộp 13.000 USD.

“Hiện nay, tôi cùng các gia đình bị lừa đang rất lo lắng vì không biết kêu ai. Toàn bộ số tiền 13.000 USD là tiền gia đình tôi đi vay ngân hàng. Gia đình tôi hoàn cảnh rất khó khăn không biết lấy gì để trả lãi và tiền gốc cho ngân hàng”, anh Thủy nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.